Thông tin trên một số tờ báo trước đó, ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc Eximbank - cho biết, sẽ thuyên chuyển bà Bùi Thị Thiện Tâm và bà Châu Thị Huyền Chi về công tác tại hội sở ngân hàng này.
|
Tranh cãi vụ "mất 245 tỷ đồng" ở Eximbank vẫn chưa có hồi kết. |
Ông Quyết cũng nói thêm rằng, việc này chỉ là một hoạt động nhân sự nội bộ nhằm ổn định tình hình hoạt động của chi nhánh Eximbank TP Hồ Chí Minh.
Trả lời PV VTC News ngày 22/3, một cán bộ ngân hàng Eximbank xác nhận việc lãnh đạo ngân hàng chủ trương thuyên chuyển nhân sự đối với bà Bùi Thị Thiện Tâm và bà Châu Thị Huyền Chi. Tuy nhiên, vị này cho biết, hiện Eximbank vẫn chưa có quyết định chính thức.
“Hội đồng quản trị Eximbank vẫn chưa có quyết định chính thức về việc điều chuyển công tác đối với bà Bùi Thị Thiện Tâm và bà Châu Thị Huyền Chi”, vị này nói.
Vẫn theo vị này, thông báo chính thức có thể được Hội đồng quản trị Eximbank đưa ra trong một vài ngày tới.
Cũng liên quan đến sự việc khách hàng bị “mất 245 tỷ đồng” tại Eximbank, trước đó có thông tin bà Bùi Thị Thiện Tâm và bà Châu Thị Huyền Chi đã bị ban lãnh đạo Eximbank đình chỉ công tác để làm rõ những sai phạm (nếu có).
Trước đó, bà Chu Thị Bình – một khách hàng lâu năm của Eximbank – có mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng tại chi nhánh Eximbank TP Hồ Chí Minh.
Hồi tháng 2 năm ngoái, bà Bình đến ngân hàng để rút tiền thì được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy đã bị rút hết 245 tỷ đồng, trong khi bà vẫn còn giữ sổ tiết kiệm.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình.
Ban lãnh đạo Eximbank sau đó đã có buổi làm việc với bà Bình và cho biết khó giải quyết vụ việc nếu chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra, mà hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết, Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả.
Tuy nhiên, bà Bình không đồng ý chờ kết luận của toà mà muốn Eximbank giải quyết cho bà tất toán ngay 245 tỷ đồng theo kết luận của cơ quan điều tra.
Vụ việc kéo dài nhiều tháng nay vẫn chưa ngã ngũ về giải pháp bồi thường thiệt hại sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên bế tắc.
Bình luận với VTC News liên quan sự việc trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn luật sư TP Hà Nội nói “ngân hàng phải có trách nhiệm với tiền mà khách của mình gửi vào”.
“Cần phân định rõ ràng các mối quan hệ ở đây. Có 3 chủ thể và 2 mối quan hệ, đầu tiên là mối quan hệ giữa khách hàng và pháp nhân ngân hàng Eximbank, thứ 2 là mối quan hệ giữa cán bộ ngân hàng với pháp nhân ngân hàng.
Việc khách hàng bị mất tiền trong tiền gửi thì là câu chuyện của mối quan hệ thứ nhất, ngân hàng phải có trách nhiệm với tiền mà khách của mình gửi vào, đây là mối quan hệ giữa cá nhân và pháp nhân, người gửi tiền hoàn toàn có thể kiện ngân hàng nếu không giữ được số tiền mình gửi.
“Còn câu chuyện cán bộ chiếm đoạt tiền thì lúc này chiếm đoạt tiền của ngân hàng chứ không phải chiếm đoạt tiền của khách hàng, ngân hàng lúc này có quyền khởi kiện nhân viên của mình”, luật sư Truyền phân tích.
Vẫn theo luật sư này, khách hàng vẫn đang nắm giữ sổ tiết kiệm chưa tất toán thì đương nhiên có giá trị pháp lý để rút tiền.
“Trường hợp ngân hàng không tất toán thì khách hàng có thể khởi kiện”, luật sư Nguyễn Thế Truyền, nói.