124 dự án bất động sản ở TP HCM được triển khai trở lại

Google News

UBND TP HCM sẽ sớm công khai 124 dự án bất động sản được tiếp tục triển khai. Hơn 30 dự án khác vẫn tiếp tục tạm dừng, chờ rà soát, kiểm tra.

Nguồn tin của Zing.vn cho biết UBND TP HCM vừa giao Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các sở, ngành liên quan có thông báo đến các doanh nghiệp sở hữu 124 dự án bất động sản về việc tiếp tục được triển khai dự án.
Hiện tại, các dự án chủ yếu đang triển khai dở dang thì bị tạm ngừng để phục vụ công tác rà soát, thanh kiểm tra.
Động thái của UBND TP.HCM tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.
Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30 dự án khác vẫn chưa thể cho phép triển khai tiếp do chưa hoàn thành việc rà soát, thanh kiểm tra.
124 du an bat dong san o TP HCM duoc trien khai tro lai
Nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang bị tạm dừng để chờ rà soát. Ảnh: Lê Quân. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cơ quan liên tục có các kiến nghị đẩy nhanh việc rà soát các dự án bị tạm dừng, hoan nghênh động thái này của UBND thành phố. Ông Châu đánh giá đây là hành động thể hiện lãnh đạo đã lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị UBND thành phố sớm công khai danh sách các dự án để họ có thể tiếp tục triển khai, ngoài ra còn tạo ra sự minh bạch trên thị trường”, ông nói.
Chủ tịch HoREA cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh việc rà soát, thanh kiểm tra hơn 30 dự án còn lại, và sớm công khai minh bạch như 124 dự án hiện tại.
Trước đó, HoREA cũng có văn bản gửi Thủ tướng, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị giải quyết tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được cán bộ cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời. Việc đó sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản.
Ngoài ra việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản sẽ làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập thấp. Trong khi đó doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).
Theo Hiếu Công/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)