Giải mã hiện tượng lạ “bé 1 tháng tuổi biết nói“

Google News

(Kiến Thức) - Nói về hiện tượng bé 1 tháng tuổi biết nói, chuyên gia cho rằng, những người có khả năng đặc biệt phải duy trì được trong thời gian nhất định... để kiểm chứng. 

Vừa qua báo chí và dư luận xôn xao về trường hợp cháu bé sơ sinh 1 tháng 5 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội đã biết nói, gọi bà gọi mẹ. 
Như thông tin  gia đình cháu bé cung cấp, thì cháu bé thường hay gọi ông, bà, bố, mẹ vào những lúc thay bỉm hoặc khi cháu tắm xong. Không chỉ gọi được những câu như “bà ơi”, “mẹ ơi” mà cháu bé còn gọi được những câu như “ba ơi bầm”.
Trả lời báo chí PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cho biết: Thực tế, con người có khả năng đặc biệt là điều mà khoa học đã ghi nhận nhưng không phải trường hợp nào được các gia đình phản ánh, cũng là sự thật.

Đã có những trường hợp nói sớm khi 3 tháng tuổi, còn trường hợp mới được 1 tháng tuổi biết nói này không chắc là có đúng hay không. Những người có khả năng đặc biệt phải duy trì được trong thời gian nhất định chứ không phải nói một vài lần rồi không lặp lại được nữa. Bởi vậy để khẳng định phải theo dõi một quá trình dài.
Giai ma hien tuong la “be 1 thang tuoi biet noi
 Cháu bé được cho là biết nói từ 1 tháng 5 ngày tuổi.
Tuy nhiên, khi nói về trường hợp bé 1 tháng tuổi biết nói ở Thạch Thất (Hà Nội) trên, Trưởng khoa Tai mũi họng mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương TS. Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương lại khẳng định, ông không tin thông tin trên là đúng. 
Việc cháu bé mới 1 tháng đã bắt đầu biết nói là không thể xảy ra. Rất có thể cháu bé có nhưng phản xạ phát ra tiếng sớm như ê… a nên hoặc phát ra những âm thanh giống với từ bà, mẹ và người lớn suy luận thành bé biết nói.

Bác sĩ Xương phân tích: “Một đứa bé, để biết nói được phải đảm bảo nhiều yếu tố: Thứ nhất tai cháu bé phải nghe được, nghe tốt. Thứ 2 bộ máy phát âm của cháu bé phải bình thường. Có nghĩa là phổi, thanh quản, lưỡi, môi phát triển đầy đủ. Thứ 3 là bộ não cháu bé phát triển tốt. Cháu bé phải biết nhận thức, biết tư duy.

Khi cháu bé đã đảm bảo 3 yếu tố đó thì vẫn cần đảm bảo một khoảng thời gian nhất định mới có thể nói được. 
Một đứa trẻ 2-3 tháng có thể ê a được, 4-5 tháng có bắt chước và phát ra những âm đơn như mẹ, bà, pa, ma, mum, 6 tháng đứa bé nào rất nhanh thì có thể chủ động phát ra những âm đơn giản mà bé hiểu. Và khoảng 1 tuổi bé mới có thể nói những từ kép hoặc từ có mục đích, biết gọi mẹ gọi bà”.
Ngoài ra, TS Nguyễn Tuyết Xương cũng khẳng định trong y văn hay tạp chí khoa học  hay những nghiên cứu về trẻ em thế giới và nước ta từ trước tới nay chưa từng ghi nhận trường hợp nào 1 tháng 5 ngày tuổi biết nói. 
"Những thông tin cho rằng có trường hợp bé 7 tuần tuổi hay 2 tháng tuổi biết nói chỉ là trên các trang mạng hoặc báo chí chưa được kiểm chứng", ông Xương nói. 
Thu Nguyên

Bình luận(0)