Loại tinh dầu từ hoa oải hương, trà xanh, bưởi bán trên thị trường được giới thiệu chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp cho phụ nữ sau sinh. Tác dụng làm giãn mạch, đốt cháy lượng mỡ thừa dưới da bằng phương pháp massage. Các chuyên gia cho rằng, công dụng thực không như vậy, không có cơ sở khoa học, có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ của mẹ và trẻ.
Giảm béo sau sinh?
Nhân viên bán hàng tại Công ty Cổ phần Hoàng Kim Long (đường 3/2, phường 11, quận 10, TP HCM) đưa chúng tôi xem gói sản phẩm gồm 3 hộp nhỏ được cho là tinh dầu giảm béo sau sinh, trên hộp có dán miếng giấy tên từng loại tinh dầu như hoa bưởi, trà xanh, oải hương, dung tích 10ml, hạn sử dụng 10 năm kể từ ngày sản xuất. Nhân viên cho biết, dùng kết hợp ba tinh dầu thoa massage cho bà mẹ sau sinh, giúp ngấm vào da sâu hơn, tác dụng giảm mỡ, mờ vết rạn da, rạn trắng hoặc rạn đỏ.
Chúng tôi liên lạc tới đơn vị phân phối sản phẩm này tại quận 3, TP HCM thì được ông Thắng, chủ cơ sở cho biết: "Tinh dầu có tác dụng giảm béo này là của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Lam Hà (Hà Nội) sản xuất, chỉ cần thoa lên da sẽ có tác dụng kháng khuẩn, làm lành vết thương, nhỏ 1 - 2 giọt vào chậu nước tắm cho trẻ giúp diệt rôm sảy, mụn nhọt, giúp thư giãn giảm stress cho bà mẹ sau khi sinh.
Massage bộ tinh dầu kết hợp trên từ 10 - 15 phút mỗi ngày, tinh dầu giúp hồi phục cấu trúc các sợi liên kết collagen, thấm sâu vào lớp hạ bì của da giúp đốt cháy, làm tiêu tan lớp mỡ thừa bắp đùi, vùng bụng, bụng chân, làm mờ vết rạn da, hiệu quả trong vòng 15 - 30 ngày sử dụng...".
Trên trang mạng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Lam Hà, cũng giới thiệu tương tự các công dụng 3 loại tinh dầu được cho là tác dụng giảm béo, chống rạn da: "Cực kỳ an toàn với các bà mẹ sau khi sinh 1 tháng, hoặc trong thời kỳ cho con bú".
|
Sản phẩm được cho là tinh dầu có tác dụng giảm béo, mờ vết rạn da sau khi sinh bán trên thị trường. |
Chiêu trò lừa người dùng
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, trường Đại học Y Dược TP HCM cho biết, dùng tinh dầu bưởi, trà xanh, oải hương chỉ massage ngoài da không bao giờ có tác dụng tiêu mỡ, giảm cân, đó là chuyện không tưởng. Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh công dụng này.
Mặt khác, trà xanh có hàm lượng tinh dầu rất thấp, việc chiết xuất khó khăn. Mỡ trong cơ thể chỉ có thể làm mất đi bằng cách vận động nhiều, ăn uống điều độ, có khi cần đến sự ăn kiêng. Tiêu mỡ là sự chuyển hóa năng lượng, vận động nhiều tiêu hao năng lượng, mỡ sẽ chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể. Ăn uống vô độ, không vận động mà chỉ dùng tinh dầu các loại massage thì không thể làm tan được mỡ trên cơ thể, nhất là mỡ vùng bụng.
Bà mẹ mới sinh sau 1 tháng phụ thuộc vào chế độ ăn uống, tập luyện để dần lấy lại vóc dáng, rạn da do khi mang thai, da căng bị dạn thành vết, vết rạn chỉ mờ dần theo thời gian, cơ thể tự động điều chỉnh làm mờ vết rạn sau vài tháng hoặc 1 - 2 năm, tuy nhiên cần chế độ ăn phù hợp. Do đó, khi sử dụng các loại tinh dầu, hay bất cứ sản phẩm gì liên quan tới sức khoẻ, đều phải có sự tư vấn chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các phương thức trị liệu truyền miệng mà không biết tác dụng thế nào thì không nên tin, không nên tự ý dùng, bởi nó có thể gây tác hại đối với sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ...
Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trong tinh dầu hoa oải hương chứa hơn 40 thành phần khác nhau, có một số tác dụng dùng ngoài khi massage, xoa bóp. Tuy nhiên, tùy cơ địa mà oải hương có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng, phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú không nên dùng. Những người đang dùng thuốc chống đông máu, khi dùng đồng thời với hoa oải hương, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Sau khi sinh, các bà mẹ không nên nóng vội việc giảm cân mà đốt cháy giai đoạn phục hồi sức khoẻ, sự điều tiết tự nhiên của cơ thể. Chỉ cần tập luyện nhẹ nhàng, ăn uống phù hợp, vừa đảm bảo sức khoẻ cho mẹ, lại có đủ dinh dưỡng trong sữa cung cấp cho con.
Với các loại tinh dầu từ thảo dược, không phải cơ địa, thể trạng ai cũng thích hợp, trẻ sơ sinh rất dễ bị dị ứng, như tinh dầu bạc hà có thể gây ức chế hô hấp của trẻ. Mẹ dùng tinh dầu oải hương cũng như bạc hà, khuynh diệp, đã có trường hợp khiến con hít phải bị xộc lên đường hô hấp, gây ngưng thở tử vong.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (trường Đại học Y Dược TPHCM)