Thông tin về sai phạm của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) liên quan đến việc “xẻ” bán các khu đất vàng tại sân bay Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa giao hoàn vốn không qua đấu giá, đấu thầu để thực hiện các dự án BT giao thông (xây dựng - chuyển giao) đang gây xôn xao dư luận.
Tập đoàn Phúc Sơn có trụ sở chính tại xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Tập đoàn Phúc Sơn của ông chủ 8X Nguyễn Văn Hậu đã và đang là chủ đầu tư, nhà thầu của hàng loạt dự án có tổng mức đầu tư khủng trải dài khắp đất nước.
|
Phần lớn khu đất sân bay Nha Trang cũ đã bị Tập đoàn Phúc Sơn "xẻ" bán. (Ảnh: Pháp luật TP.HCM). |
Theo đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã triển khai và thi công nhiều công trình như: Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), quảng trường Hùng Vương (TP Việt Trì), Trung tâm thương mại nhà ở Phúc Sơn, công trình đường bờ nam Sông Trà khúc (Quảng Ngãi), Đền liệt sĩ huyện Vĩnh Tường, công trình đê tả sông Hồng, công trình đường giao thông nông thôn xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - gồm 06 gói thầu), Trung tâm văn hóa lễ hội chọi trâu Phù Ninh, đường Nha Trang - Diên Khánh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số dự án trên Tập đoàn Phúc Sơn cũng dính nhiều tai tiếng khiến dư luận chú ý.
Đại dự án tiền tỷ “đắp chiếu”, dân thất vọng
Theo đó, năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lập dự án, giao cho hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường làm chủ đầu tư thực hiện dự án "Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông".
|
Các nhà thầu thi công theo kiểu "cầm hơi" chờ vốn. (Ảnh: Phapluatplus). |
Tại huyện Vĩnh Tường, dự án được chia thành 3 gói thầu (tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng) do các nhà thầu là Tập đoàn Phúc Sơn, liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng. Trong đó, gói thầu số 1 và số 3 do Tập đoàn Phúc Sơn nhận thầu với tổng số vốn đầu tư của cả 2 gói thầu khoảng hơn 940 tỷ đồng.
Cụ thể, gói thầu số 1 đầu tư hơn 40 tỷ đồng, đã được cấp 20 tỷ đồng; gói thầu số 3 khoảng 900 tỷ, đã được cấp hơn 300 tỷ đồng. Riêng gói thầu số 2 được chỉ định thầu cho liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng với số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đã được cấp hơn 40 tỷ.
Cuối tháng 12/2011, dự án được khởi công rầm rộ. Theo cam kết, dự án thực hiện đến tháng 12/2013 phải hoàn thành. Tuy nhiên, sau thời hạn dự án vẫn chưa xong, nhiều đoạn nằm “đắp chiếu” và thi công cầm chừng.
Tuyến đê tả sông Hồng trước đây vốn là tuyến đường giao thông huyết mạch nối 6 xã ven sông của huyện Yên Lạc và các xã của huyện Vĩnh Tường. Tuy nhiên, kể từ ngày đại dự án triển khai, tuyến đường đê vốn “thơ mộng” bỗng chốc được người dân địa phương gọi là “cung đường chết”. Bởi cả tuyến đê vắng ngắt không người qua lại, chỉ ở những nút giao thông mới thấp thoáng bóng người và phương tiện tham gia giao thông.
Dự án "siêu nghĩa trang" Thiên An Viên bị tuýt còi
Bên cạnh đó, Tập đoàn Phúc Sơn cũng từng gây sự chú ý bằng việc công bố dự án “siêu nghĩa trang” Thiên An Viên tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 70 triệu USD.
|
Bản đồ quy hoạch chi tiết dự án công viên nghĩa trang Thiên An Viên của Tập đoàn Phúc Sơn. |
Theo quy hoạch, dự án sẽ được triển khai xây dựng trên diện tích 118 ha tại phường Khai Quang (xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và một phần đất thuộc xã Kim Long (huyện Tam Dương). Đây vốn khu vực đất đồi núi bạc màu, hiệu quả kinh tế thấp và nằm ở xa khu vực khu dân cư.
Dự án công viên nghĩa trang Thiên An Viên sẽ được chia thành 5 khu: Khu mộ phần, khu công viên cây xanh, khu tâm linh, khu cây xanh mặt nước, khu hành chính dịch vụ kỹ thuật.
Dự án công viên nghĩa trang này sẽ đầu tư xây dựng Đài hóa thân trên diện tích 2.050m2, sử dụng thiết bị hỏa táng của Thụy Điển theo công nghệ lò đốt điện tiên tiến nhất hiện nay, không phát sinh khói bụi và mùi, đảm bảo môi trường. Một nhà tang lễ hiện đại cũng sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 480m2…
Tuy nhiên, dự án “siêu nghĩa trang” của Tập đoàn Phúc Sơn sau đó đã bị tỉnh Vĩnh Phúc cho dừng vì nhiều lý do.
Cụ thể, phần đất lấy để thực hiện dự án công viên nghĩa trang Thiên An Viên là đất quốc phòng loại 1, có giá trị đặc biệt quan trọng trong phòng thủ và tác chiến. Không những vậy, nếu dự án được xây dựng còn phá vỡ quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt.
Dự án đang bị dừng triển khai để chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều đáng nói, việc dừng triển khai này chỉ đưa ra khi thông tin về việc thực hiện sai quy hoạch tại dự án được dư luận xã hội lên tiếng.