Cụ thể, doanh thu của HBC giảm 34% về mức 2.442 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Hòa Bình cũng giảm 45%, tương ứng biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 9,2% xuống còn 7,7%.
Hoạt động liên doanh liên kết lỗ hơn 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 100 triệu đồng. Chi phí bán hàng tăng 13% cũng là nguyên nhân làm lợi nhuận công ty giảm.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của HBC giảm 95% về vỏn vẹn 5,5 tỷ đồng, là mức thấp nhất kể từ quý 4/2014.
Tính đến cuối kỳ, HBC ghi nhận 4.864 tỷ đồng nợ vay tài chính, hầu hết là nợ ngắn hạn, xấp xỉ đầu kỳ.
Tiền và tương đương tiền giảm 81% còn 106,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ đạt 839 tỷ đồng.
Theo báo cáo thường niên 2020, HBC đặt ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công mẹ 200 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 52% so với năm trước. Đây là kế hoạch lợi nhuận thấp nhất từ 2016 trở lại đây của HBC.
Như vậy, quý 1 của HBC còn cách rất xa so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
HBC xác định dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường chính là thách thức gây ra sự trì hoãn các dòng vốn đầu tư, giảm sút kinh tế trên toàn cầu. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu biến động, rủi ro thanh toán do năng lực tài chính của chủ đầu tư, các vấn đề pháp lý dự án ảnh hưởng tiến độ triển khai... cũng ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.
Năm 2020, HBC dự đoán với ảnh hưởng từ Covid-19, việc mở rộng ra nước ngoài chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, HBC đặt mục tiêu trúng thầu 1.000 tỷ đồng với doanh thu dự kiến 300 tỷ đồng.