Trong danh sách top những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán tính đến thời điểm ngày 29/8, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện đứng ở vị trí thứ 14 với 3.962,70 tỷ đồng, do sở hữu 42.415.234 cổ phiếu của Tập đoàn Masan.
Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh năm 1963, nguyên quán ở Hà Nam, nhưng sinh ra ở Hà Nội và thường trú tại TP. HCM.
Bà là vợ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Bà Yến hiện đang là Thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc CTCP Hàng tiêu dùng Ma San (MSF), Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Ma San (MSN), Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vinhhao), Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCP Ma San PQ, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Ma San, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF).
|
Vị trí của bà Nguyễn Hoàng Yến trên sàn chứng khoán tính đến ngày 28/9. |
Trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, bà từng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Nga và từng có 3 năm làm Giáo viên trường Cao đẳng Kiểm sát (1987-1990).
Giống như một số cặp vợ chồng khởi nghiệp từ Đông Âu khác, bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Nguyễn Đăng Quang là một trong những cặp vợ chồng doanh nhân cùng điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ có tiếng ở Việt Nam.
Tập đoàn Masan hiện nay là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu ngành tại Việt Nam. Hệ sinh thái của Masan cũng không thua kém Vingroup, với hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ ngân hàng với Techcombank, TCBS; khoáng sản với Masan Resources hay thực phẩm với Masan Consumer, Vinacafe Biên Hòa…
Trong đó, Masan đặc biệt nổi tiếng trên lĩnh vực hàng tiêu dùng, nổi tiếng với các loại thực phẩm và đồ uống bao gồm nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cà phê hòa tan, và ngũ cốc dinh dưỡng.
Thông qua công ty liên kết Vĩnh Hảo, Masan đã tham gia ngành hàng nước giải khát đóng chai. Bắt đầu hoạt động từ năm 2000, sau đó Masan đã phát triển thêm danh mục sản phẩm, doanh thu bán hàng và các kênh phân phối trong nước để xác lập vị thế dẫn đầu trên thị trường thực phẩm tiêu dùng và đồ uống mang thương hiệu Việt.
Những thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer bao gồm Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi và Vĩnh Hảo.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Masan hiện là cổ đông chính lớn duy nhất nắm giữ trên 5% vốn cổ phần với tỷ lệ sở hữu là 15%.
Gần đây, Masan Resources trở nên nổi tiếng sau khi mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck (liên doanh) với giá trị 29,1 triệu USD.
Theo Masan, Núi Pháo sẽ trở thành nhà sản xuất vonfram, florit và bismut tầm cỡ thế giới, là một bước để Masan tiến đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu trong khu vực kinh tế tư nhân.
Trên trang website của mình, Masan cho biết chiến lược của mình là xây dựng những công ty nội địa hàng đầu, có khả năng cạnh tranh thành công với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp nhà nước lớn.
Tuy vậy, năm 2017 vừa qua là một năm đầy biến động đối với các mặt hàng kinh doanh cốt lõi của Masan.
Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, doanh thu thuần của Masan từ mức kỷ lục 43.297 tỷ đồng trong năm 2016 giảm xuống còn 37.621 tỷ đồng trong năm 2017 tương ứng tỷ trọng giảm 13,1%.
Mới đây, Masan cũng công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng năm 2018. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của Masan Group là 17.458 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển vượt bậc của mình, Masan gặp không ít những lùm xùm với những sản phẩm chủ đạo của mình như mì Kokomi bị tố có sinh vật lạ, quảng cáo mì Omachi quá lố, dòng sản phẩm nước chấm sử dụng chất tạo màu HT155 đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước vì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe; xây trang trại nuôi heo vi phạm quy định môi trường bị phạt 400 triệu đồng...