Những cú phốt để đời của “ông lớn” Masan

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, dự án chăn nuôi nghìn tỷ của Masan tại Nghệ An bị “tuýt còi", tuy nhiên đây không phải là lần đầu Masan gặp "cú phốt" tai tiếng khiến dư luận xôn xao.

Dự án chăn nuôi nghìn tỷ của Masan tại Nghệ An bị “tuýt còi"
Mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN & MT) có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu dự án Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An của Công ty TNHH Masan Nutri – Farm (thuộc Tập đoàn Masan) dừng việc thi công dự án do vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhung cu phot de doi cua “ong lon” Masan
Văn bản Bộ TN&MT gửi UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Người Đưa Tin.
Cụ thể, ngày 5/11/2016, Tập đoàn Masan cùng với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ khởi công Trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao Masan Nutri - Farm Nghệ An, với tổng diện tích 223.7 ha và tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, Dự án chăn nuôi nghìn tỷ của Masan sẽ tiến hành chăn nuôi trong quý 1/2017 và bắt đầu cung cấp lợn thịt cho thị trường vào quý 1/2018. Sau lễ khởi công, chủ đầu tư dự án Masan bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hệ thống xử lý nước thải..
Tuy nhiên, đầu năm 2017, Bộ TN & MT mới nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án "Trang trại chăn nuôi lợn tại Nghệ An" với quy mô 5.000 lợn nái và 40.000 con lợn thịt.
Ngày 4/3/2017, Bộ TN&MT tổ chức thực hiện khảo sát tại địa điểm thực hiện dự án chăn nuôi lợn Masan. "Căn cứ Luật bảo vệ môi trường năm 20014, việc chủ dự án triển khai thi công xây dựng trong khi chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường".
Do đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Masan dừng ngay hoạt động thi công xây dựng, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong thời gian dừng thi công; đảm bảo phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục và ứng phó với các sự cố môi trường. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đề nghị tỉnh Nghệ An xử lý vi phạm và yêu cầu chủ dự án khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật.
Mì của Masan bị tố có dị vật, biến đổi mùi vị
Trước đó, theo thông tin trên Zing, vào tháng 11/2015, ông Lê Ngọc Quang, ở thôn Tào Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết, ngày 11/11, khi ăn mì Kokomi, ông phát hiện một số sinh vật lạ cựa quậy. Sau đó, ông Quang ra cửa hàng tạp hóa mua thêm 3 gói về bóc ra pha thì vẫn phát hiện sinh vật lạ như trên.
Nhung cu phot de doi cua “ong lon” Masan-Hinh-2
 Thông tin chứa sinh vật lạ trong mì tôm khiến nhiều người dân tại Thanh Hóa hoang mang. Ảnh: Zing.
Theo trình bày của ông Quang, sinh vật có chiều dài từ 4 đến 8 mm, trên đầu có chấm đen. Những gói mì này được ông mua cửa hàng tạp hóa ở chợ Chào, xã Thanh Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trong đó, thông tin in trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm Masan, Lô 6, Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Sự việc này sau đó đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Mặc dù đã có kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa số 158/2015 và báo cáo số 343/BC-ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hóa ngày 16/11/2015 cho thấy sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm, không có vật lạ, song nhiều sự việc này vẫn khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại.
Hạt nêm Chin-su “không bọt ngọt” mà chỉ có chất… siêu ngọt
 Theo thông tin đăng tải trên giaoduc.net.vn vào tháng 1/2014, để đánh vào tâm lý sợ bột ngọt ở người tiêu dùng, Masan đã tung ra quảng cáo “hạt nêm không bọt ngọt” để cạnh tranh với các đối thủ. Tuy nhiên, ngay sau khi tung ra quảng cáo không lâu, mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan đã được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM.
Phiếu kiểm nghiệm cho thấy: bột nêm “không bột ngọt” Chin-su có hàm lượng 1,21% monosodium glumate (còn gọi là bột ngọt).
Không chỉ riêng hạt nêm Chin-su, một nghiên cứu của Viện Vệ sinh y tế cộng đồng (TP.HCM) cũng đã từng đưa ra các kết quả xét nghiệm mẫu hạt nêm Knorr, Maggi cũng chứa siêu ngọt.
Và thực chất, trong các loại hạt nêm này, thành phần không hoàn toàn kết tinh từ nước hầm xương, thịt như các lời quảng cáo: “100% từ nước hầm xương”, “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, “tốt hơn cho sức khỏe”… mà có chứa rất nhiều bột ngọt.
Mì khoai tây Omachi: Chỉ có… 5% khoai tây
Quảng cáo mỳ khoai tây Omachi cũng của công ty Masan bị “bóc mẽ” bịt mắt người tiêu dùng.
Cụ thể,  vào tháng 1/2014, trên trang giaoduc.net.vn đăng tải thông tin, trong các đoạn quảng cáo, nhà sản xuất Masan khẳng định, ăn mì khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mì này cho thấy, khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 50g/1kg, tương đương… 5%.
Trong thành phần ghi sau gói mì này cho thấy, khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 50g/1kg, tương đương… 5%.
Như vậy, thành phần chính của “mì khoai tây” Omachi vẫn là bột mì như mọi loại mỳ khác, và thậm chí được coi là dòng mì “cao cấp”, nhưng vẫn có cả chất E102 và không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu.
Với cách quảng cáo “thổi phồng” sự thật như thế, nhiều người tiêu dùng phải tự hỏi, loại khoai tây làm mì Omachi liệu có phải là “thần dược” không khi chỉ có 5 % khoai tây mà có thể giúp người sử dụng không lo bị nóng?
Mì Tiến Vua: Vỏ ghi không chứa Transfat, kiểm nghiệm lại có
Thông tin trên VTC News vào tháng 9/2011 cho hay, clip quảng cáo với thông điệp “Mỳ Tiến Vua – Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành)” được phát trên truyền hình, đã gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng vì chất béo Transfat được cảnh báo là có hại cho sức khỏe con người.
Nhung cu phot de doi cua “ong lon” Masan-Hinh-3
Hàm lượng Transfat được ghi rõ 0g trên bao bì. Ảnh: VTC News.
Điều đáng nói, không chỉ quảng cáo, mà trong mục thành phần ghi trên bao bì của mỳ Tiến Vua, hàm lượng Transfat được ghi là 0g (Hàm lượng Transfat ghi nhãn theo quy định số 86 FR 41434 của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm mẫu mì Tiến Vua khiến nhiều người tiêu dùng “ngã ngửa” vì trong thành phần của mì cũng có… Transfat.
Cụ thể, theo kết quả phân tích mẫu số 10071105/107315 của Cty Cổ phần Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (TP. Hồ Chí Minh) thì trong một gói mỳ Tiến Vua, tỷ lệ chất Transfat là 0,097%, chứ không phải là zero, tức là hoàn toàn không có như đã quảng cáo.
Theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về nhãn hàng hóa đã nêu khá chi tiết về việc ghi thành phần các chất phụ gia có trong thực phẩm.
Như vậy, trong quy định của pháp luật Việt Nam, việc phải ghi rõ các thành phần chất phụ gia là khá rõ ràng và đầy đủ. Việc trong mẫu sản phẩm mỳ Tiến Vua có chứa 0,097% chất Transfat mà không được ghi lên trên bao bì là chưa đúng với các nội dung trong Nghị định 89 về ghi nhãn hàng hóa này.
Không chỉ liên quan đến chất transfat, gần đây mì Tiến Vua của Masan lại một lần nữa khiến dư luận phải chú ý khi tung lên truyền hình đoạn clip quảng cáo mỳ Tiến Vua bò cải chua với sợi mì không phẩm màu độc hại E 102 (còn có tên gọi màu tổng hợp Tartranzine 102).
Trong khi đó, khi khảo sát trên thị trường, một số sản phẩm của Masan, trong đó có mỳ Tiến Vua (loại cũ) và mì Omachi đều chứa E 102, và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).
Lợi nhuận khủng nhưng “ỉm” cổ tức
Ngoài ra, không chỉ vướng tai tiếng về quảng cáo, đại gia Masan cũng dính lùm xùm cả về chuyện thường xuyên “quên” chia cổ tức cho cổ đông.
Theo đó, vào tháng 6/2014 trên báo VTC News đăng tải thông tin ông lớn Masan có tiếng là lợi nhuận khủng, phát triển nhanh nhưng không trả cổ đông lấy một đồng trong nhiều năm. Với thành tích 4 năm liên tiếp nói không cổ tức đối với các cổ đông cho dù đến cuối 2013 lợi nhuận chưa phân phối của tập đoàn này lên tới gần 6.300 tỷ đồng và ông lớn này vẫn đều đặn nhận cổ tức khủng từ công ty con.
Bảo Ngọc (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)