Tại buổi thông tin kết quả sản xuất kinh doanh quý 3/2020 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính kế toán - Vietnam Airlines cho biết, doanh thu của Vietnam Airlines trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 24.000 tỷ đồng, bằng 41,7% cùng kỳ năm 2019.
Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ trước thuế hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng, tương đương 70,8% kế hoạch lỗ cả năm 2020, trong đó riêng Công ty mẹ lỗ 8.737 tỷ đồng.
Mặc dù trong quý 3/2020, Vietnam Airlines cải thiện về doanh thu, nhưng hiệu quả chung vẫn lỗ 3.626 tỷ đồng. Trong khi, vay ngắn hạn của hãng tăng lên 5.242 tỷ đồng, các khoản phải trả giãn, hoãn là 4.268 tỷ đồng.
Trước thông tin Vietnam Airlines lỗ 10.750 tỷ trong 9 tháng, dư luận đặt câu hỏi: Hãng bay cầm cự tới lúc nào kiệt sức?
|
Vietnam Airlines báo lỗ 10.750 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020. (Ảnh minh họa). |
Đánh giá về vấn đề trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tình hình hoạt động của Vietnam Airlines nói riêng, các hãng hàng không trong nước nói chung đang ở thời điểm cực kỳ khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dù các đường bay thương mại quốc tế của Việt Nam đã dần nối lại, nhưng việc mở cửa đón du khách vẫn còn nhiều tranh cãi.
Ông Hiếu cho hay, mỗi hàng máy bay là một loại hình kinh doanh rất đặc biệt, họ phải có khách hàng mới thu về lợi nhuận. Chưa kể, các hãng còn phải chi trả các khoản chi phí thường xuyên rất cao như: Xăng dầu; bảo trì, bảo dưỡng máy bay; chi phí đậu đỗ; chi phí nguồn nhân lực và lớn nhất là chi phí về tài chính (tức là hãng bay đi vay tiền của các ngân hàng),…
“Trước những chi phí thường xuyên cố định như vậy, nếu hãng bay không có một lượng khách đủ, hoặc không có giải pháp phù hợp để hòa vốn thì trong vòng nửa năm một hãng máy bay đã rơi vào tình trạng cực kỳ khủng hoảng, đối diện với nguy cơ phá sản rồi.
Vietnam Airlines cũng vậy, không lạ gì khi họ dự kiến mức lỗ lên đến 10.750 tỷ đồng, cùng lắm Vietnam Airlines có thể cầm cự được thêm một năm nữa”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Theo chuyên gia Hiếu, vấn đề của các hãng bay hiện nay là tiền mặt, vì các hãng cần dòng tiền để duy trì hoạt động, không ai cho nợ lâu. Thành ra, dòng tiền của các hãng rất lớn.
Tuy nhiên, đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu như hiện nay, không biết đến khi nào các hãng bay mới “ngóc đầu” lên được.