Việt Nam bất ngờ thu ngay 40 triệu USD nhờ bán một loài cá bình dân

Google News

Một loài cá có nhiều ở vùng biển miền Trung đang được Mỹ, Nhật Bản mua với lượng lớn, mang lại giá trị xuất khẩu gần 40 triệu USD cho Việt Nam.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường đang thu mua rất nhiều cá trích của Việt Nam, một loài cá có nhiều ở vùng biển miền Trung.

VASEP cho biết, trong khi nguyên liệu nhiều loài hải sản khan hiếm thì cá trích, cá cơm vẫn là những sản phẩm Việt Nam có sẵn nguồn cung đánh bắt trong nước.

Nhất là những tháng đầu năm nay, ngư dân các tỉnh miền Trung bội thu cá trích, tạo ra nguồn nguyên liệu cho DN chế biến xuất khẩu đi các thị trường.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá trích của Việt Nam đi các thị trường đạt 37,5 triệu USD, giảm 9% so với 41 triệu USD năm 2020.

Có 30 thị trường đang mua sản phẩm cá trích từ Việt Nam nhưng top 5 thị trường chiếm tỷ trọng chi phối, gần 76% giá trị xuất khẩu là Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá trích sang Thái Lan trong năm 2021 tăng tới 60%, sản phẩm cá trích xuất khẩu sang Thái Lan chủ yếu là cá hộp.

Năm 2021, xuất khẩu cá trích sang Nhật Bản đạt 7,8 triệu USD, tương đương năm 2020.

Vì xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm từ trên 12 triệu USD năm 2020 xuống còn 6,3 triệu USD năm 2021 nên Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất trong năm qua.

Sản phẩm cá trích xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu là phile tẩm gia vị và một số sản phẩm cá đóng hộp.

Viet Nam bat ngo thu ngay 40 trieu USD nho ban mot loai ca binh dan

Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường đang thu mua rất nhiều cá trích của Việt Nam. Trong ảnh: Ngư dân Trương Văn Tùng (52 tuổi, ở thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trúng lớn mẻ cá trích hồi đầu năm 2022. Ảnh: Trần Anh.

Mỹ, Nhật Bản vẫn có nhu cầu mua cá trích cao nhưng có quy định mới, Tổng cục Thủy sản có ngay yêu cầu với doanh nghiệp

Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá trích sang thị trường Nhật Bản đạt gần 2 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 20% tổng xuất khẩu cá trích đi các thị trường (10 triệu USD).

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP), hiện nay, nguồn nguyên liệu đang sẵn có, nhu cầu thị trường gia tăng, nên xuất khẩu cá trích sang Nhật Bản sẽ tiếp đà tăng mạnh trong năm 2022.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2022, xuất khẩu cá trích (Sardine, Sardinops spp) sang Nhật Bản sẽ phải tuân thủ một quy định mới là phải có giấy chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản, cùng với 3 sản phẩm khác là mực ống và mực nang (Squid anh Cuttle fish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp).

Trước yêu cầu mới của phía Nhật Bản, Tổng cục Thủy sản đã có công văn đề nghị VASEP thông báo đến toàn thể các doanh nghiệp thành viên để có những chuẩn bị kịp thời tránh làm ảnh hưởng, gián đoạn đến hoạt động xuất khẩu hải sản sang thị trường Nhật Bản.

Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá trích tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 30%, sang Hàn Quốc tăng 67%, sang Australia tăng 86%...

"Dự báo xuất khẩu cá trích sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới nhờ nguồn nguyên liệu và nhu cầu đều cao" - đại diện VASEP dự báo.

Cá trích (danh pháp khoa học: Sardinella) là một chi cá biển thuộc chi cá xương, họ Cá trích (Clupeidae). Đây là một loài cá có giá trị kinh tế lớn, là đối tượng quan trọng của nghề cá thế giới. Ở Việt Nam, cá trích có khoảng 10 loài, quan trọng nhất là cá trích tròn (S. aurita) và cá trích xương (S. jussieu).

Cá trích có răng nhỏ hoặc thiếu, vẩy tròn mỏng, dễ rụng, có loài có vẩy lược, ở sống bụng của cá có răng cưa. Cá trích có tập tính di cư thành đàn lớn. Cá trích sống ở tầng nước mặt, thường không có chỗ ẩn náu, có mình thon dài, vây chẵn phát triển bình thường, khúc đuôi khỏe, bơi nhanh.

Theo K.Nguyên/Danviet

>> xem thêm

Bình luận(0)