Nhiều lần chỉ định thầu rút gọn một nhà thầu
Theo Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong các ngày 15/3, 27/3, ông Đặng Xuân Hưởng - Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao (TDTT) Hà Nội - ký ban hành 2 quyết định số 134/QĐ-TTHL&TĐTDTT và 179/QĐ-TTHL&TĐTDTT, về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu duy trì cây xanh tại Ban quản lý CSTL&TĐTDTT Mỹ Đình tháng 3 và 4/2024.
|
Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành có địa chỉ tại số 17 Lô NO12, khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. |
Cả hai gói thầu trên chỉ định thầu rút gọn cho Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành (gọi tắt Công ty Xây dựng Hà Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với giá trúng hơn 95,427 triệu đồng mỗi gói. Thời gian thực hiện trong vòng 31 ngày mỗi gói.
Điểm đáng chú ý, các hạng mục nội dung, khối lượng, đơn giá tại cả hai gói thầu sát thời gian, được vạch ra và thực hiện lại giống hệt nhau.
|
Các hạng mục nội dung, khối lượng, đơn giá tại cả hai gói thầu Duy trì cây xanh tại Ban quản lý CSTL&TĐTDTT Mỹ Đình tháng 3 và 4/2024 được vạch ra và thực hiện giống nhau. |
Chẳng hạn, phần nội dung duy trì cỏ nhung đều có khối lượng 13.192,77m2, tổng tiền gần 26,4 triệu đồng; duy trì cây đơn lẻ, khóm khối lượng 2.011,00 cây, với tổng tiền gần 23,4 triệu đồng; duy trì cây bóng mát mới trồng là 261 cây, tiền thực hiện gần 3 triệu đồng; vệ sinh đường lát nhựa, gạch mắt na, gạch khác… có khối lượng 30.413,89m2, số tiền gần 36,5 triệu đồng.
Trước đó, năm 2023, Công ty Xây dựng Hà Thành cũng được ông Đào Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội - ký ban hành 2 quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu duy trì cây xanh thảm cỏ tại trung tâm này. Hình thức lựa chọn nhà thầu tại hai gói thầu trên cũng đều chỉ định thầu rút gọn.
Giá trúng thầu của 2 gói thầu lần lượt là hơn 4,5 tỷ đồng (theo quyết định số 86/QĐ-TTHL&TĐTDTT ngày 24/2/2023) và gói còn lại trúng gần 97 triệu đồng (theo quyết định số 109/QĐ-TTHL&TĐTDTT, ngày 28/2/2023).
Cũng theo Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ năm 2016 đến nay, Công ty Xây dựng Hà Thành tham gia 70 gói thầu, trong đó trúng 65 gói, trượt 4 gói, một gói bị hủy. Trong số này, riêng tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này tham gia và được chỉ định khoảng 8 gói thầu.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội nói gì?
Trước những nghi vấn, băn khoăn của dư luận về tính minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu của Công ty Xây dựng Hà Thành tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, ngày 27/5, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lại Phúc Lộc - Phó giám đốc Trung tâm - cho biết, các gói thầu tại trung tâm đều được chào mời công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định. Công ty Xây dựng Hà Thành được chỉ định thầu do doanh nghiệp này đáp ứng đủ điều kiện, năng lực các gói thầu.
Trước đó, ngày 3/5, phóng viên đến liên hệ làm việc với Công ty Xây dựng Hà Thành, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
|
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. |
Bàn về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho hay, chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu 2023.
Chỉ định thầu, dù có những quy định cụ thể về trường hợp áp dụng, vẫn tạo ra nhiều thách thức về tính minh bạch và công bằng trong cạnh tranh, đặc biệt khi không có hướng dẫn rõ ràng về mức giá.
Thực tế cho thấy, khi không có quy định cụ thể về mức giá, nhà thầu có thể đề xuất giá cao hơn so với giá thị trường hoặc mức giá trong điều kiện cạnh tranh bình thường. Điều này dẫn đến chi phí dự án bị đẩy lên cao, gây lãng phí tài nguyên và không sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách.
Bên cạnh đó, chỉ định thầu mà không qua quy trình cạnh tranh có thể tạo cơ hội để một số nhà thầu cụ thể được “ưu ái”, không đảm bảo công bằng đối với nhà thầu khác. Từ đó, nó gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, khiến việc lựa chọn nhà thầu trở nên thiếu minh bạch.
Hơn nữa, khi mức giá không được kiểm soát chặt chẽ và công khai, hành vi gian lận, hối lộ hoặc tham nhũng trong quá trình chỉ định thầu có thể xuất hiện. Tất cả yếu tố này làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống đấu thầu, gây tổn hại đến uy tín và hiệu quả của dự án công. Do đó, mặc dù chỉ định thầu có thể là giải pháp cần thiết trong một số tình huống cấp bách, việc áp dụng cần phải được quản lý cẩn trọng, minh bạch để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Có thể xem xét lại những gói thầu đã chỉ định?
Đối với trường hợp Công ty Xây dựng Hà Thành được chỉ định thực hiện nhiều gói thầu tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cơ quan chức năng có thể xem xét lại những gói thầu đã chỉ định để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quá trình đấu thầu.
Việc này là cần thiết vì chỉ định cùng một nhà thầu nhiều lần có thể dẫn đến nghi ngờ về tính minh bạch và công bằng. Cơ quan chức năng kiểm tra xem các gói thầu đó có tuân thủ đúng quy định pháp luật không và đảm bảo rằng không có sự ưu ái, thiên vị nào đối với nhà thầu.
“Khi một nhà thầu được chỉ định nhiều gói thầu, cần đảm bảo rằng mức giá và chất lượng dịch vụ phải tương đương so với mặt bằng chung trên thị trường. Nếu không có sự cạnh tranh, nhà thầu có thể cung cấp dịch vụ với giá cao hơn hoặc chất lượng thấp hơn so với thị trường. Việc xem xét lại những gói thầu giúp kiểm soát và điều chỉnh giá cả, đảm bảo chất lượng gói thầu. Đồng thời, việc này giúp ngăn chặn hành vi gian lận, tham nhũng, duy trì sự trong sạch, minh bạch trong quá trình đấu thầu, đảm bảo mọi quy trình đều được thực hiện đúng quy định, không có sự lợi dụng để trục lợi cá nhân”, luật sư Tùng nhấn mạnh.
Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa nêu quan điểm, cơ quan chức năng cũng nên đánh giá lại hiệu quả và hiệu suất của những gói thầu đã thực hiện, đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, xem xét việc chỉ định thầu có mang lại hiệu quả tối ưu hay không.