Vi phạm chứng khoán bị xử phạt, XNK An Giang kinh doanh thế nào?

Google News

Do vi phạm công bố thông tin và công bố sai lệch trong lĩnh vực chứng khoán, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang đã bị xử phạt tổng số tiền 267,5 triệu đồng.

Với hơn 35 năm kinh nghiệm hoạt động, Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo. Hàng năm công ty sản xuất khoảng 250.000 tấn gạo, hệ thống nhà máy với tổng sức chứa 90.000 tấn. Xét về cơ cấu thị trường, xuất khẩu gạo đóng góp 61% tổng doanh thu kinh doanh gạo của công ty, với các thị trường chính là châu Á, Trung Đông và châu Mỹ.
Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM – sàn: HoSE), có trụ sở tại số 1 Ngô Gia Tự, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Người đại diện theo pháp luật là ông Huỳnh Thanh Tùng, Tổng Giám đốc công ty.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang vì loạt vi phạm trong quá trình công bố thông tin. Tổng mức phạt đối với Angimex là 267,5 triệu đồng.
Cụ thể, Angimex bị phạt 150 triệu đồng vì báo cáo sai lệch số liệu lợi nhuận sau thuế giữa báo cáo tài chính quý 2/2022 và báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét. Ngoài phạt tiền, AGM buộc phải báo cáo lại thông tin chính xác.
Bên cạnh đó, 92,5 triệu đồng là số tiền phạt cho vi phạm không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) với các tài liệu báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2022.
Ngoài ra, Angimex cũng bị phạt thêm 25 triệu đồng vì không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính năm 2021.
Vi pham chung khoan bi xu phat, XNK An Giang kinh doanh the nao?
Vi phạm chứng khoán bị xử phạt, XNK An Giang kinh doanh thế nào? (ảnh minh họa: Angimex).
Ở diễn biến khác, trên HoSE, cổ phiếu AGM đang ở diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 (cả riêng lẻ và hợp nhất) đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Từ ngày 23/5/2023, cổ phiếu AGM chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Theo giải trình của Angimex, công ty vẫn đang trong thời gian thực hiện đàm phán với trái chủ để xin gia hạn thời gian trả gốc lãi trái phiếu nên vẫn chưa có kết quả để cập nhật vào báo cáo tài chính kiểm toán. Do đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 riêng lẻ và hợp nhất vẫn chưa được ký, dẫn đến bị chậm nộp quá 45 ngày so với thời gian quy định.
Về biện pháp khắc phục, Angimex cho biết, đang khẩn trương thực hiện việc đàm phán với trái chủ và sẽ cố gắng thực hiện nộp báo cáo tài chính năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) đã được kiểm toán trong thời gian sớm nhất có thể. Lãnh đạo Angimex cho biết, sẽ công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) đã được kiểm toán ngay sau khi công ty kiểm toán ký báo cáo tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, giá cổ phiếu AGM của Angimex ở mức 6.100 đồng/cổ phiếu.
Thua lỗ liên tiếp, nợ phải trả cao gấp 3,4 lần
Về kết quả kinh doanh, Angimex cho biết trong quý I/2023 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất chỉ đạt 159 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 89% so với 80,3 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022. Kết quả, Angimex báo lỗ sau thuế gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu tài chính và các khoản lợi nhuận khác trong quý I/2023 lần lượt giảm tới 67% và 113% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm kết thúc quý I/2023, tổng tài sản của Angimex đạt 1.591 tỷ đồng. Tuy nhiên nợ phải trả đang chiếm tỷ trọng vô cùng lớn với hơn 1.228 tỷ đồng, tương đương 77% tổng tài sản của công ty. Vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn đáng kể, giảm chỉ còn gần 363 tỷ đồng tại cuối quý 1.
Đáng chú ý, tại ngày 31/3/2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Angimex là 3,4 lần (theo số liệu của báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023). Đây là con số ở mức cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Trước đó, trong năm 2022, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.454 tỷ đồng (giảm 12% so với kết quả đạt được năm 2021) nhưng báo lỗ sau thuế tới 139 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu là 6 tháng cuối năm 2022, các ngân hàng đều hết room tín dụng, hầu hết các tổ chức tín dụng đều ngưng và cắt giảm hạn mức với công ty; đồng thời yêu cầu tăng tỷ lệ tài sản đảm bảo; dẫn đến công ty thiếu nguồn vốn lưu động để thu mua lúa khi vào vụ,... từ đó công ty không thể mua được hàng, mất cân đối tồn kho, nhiều đơn hàng bị hủy do không đảm bảo đủ số lượng giao hàng.
Hiện Angimex đang lên kế hoạch thanh lý tài sản với mục tiêu thanh toán dần các khoản nợ để từng bước vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, bao gồm: vốn góp của Angimex, hệ thống kho đã dừng hoạt động (không còn máy móc, thiết bị), nhà máy đang hoạt động, quyền sử dụng đất tại TPHCM và An Giang. Tổng giá trị tài sản trong sổ sách tại ngày 31/5/2023 là hơn 636,9 tỷ đồng.
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)