Vốn có niềm đam mê rất lớn với các hoa văn truyền thống của 2 nền văn hóa Trung Quốc và Việt Nam, La Quốc Bảo (23 tuổi) không ngừng tìm tòi và mở rộng kiến thức về sự tương đồng, khác biệt của cả 2 loại này. Anh đã vẽ họa tiết cung đình Huế lên các đôi giày bình thường.
“Càng tìm hiểu, tôi lại càng thấy các hoa văn của nước ta có nét đặc trưng tách biệt hẳn với Trung Quốc về cả thế thức và phối màu nhưng lại không nhận được sự quan tâm xứng đáng, thậm chí còn bị đánh đồng rất nhiều giữa hoa văn của 2 nền văn hóa này.
Tiếp nữa, nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng, xét về thời gian chỉ cách đây chưa đến 80 năm nên lượng tài liệu, văn vật so với các triều trước vẫn còn nhiều. Cuối cùng, nhà ngoại tôi có gốc Huế di cư vào Nam cuối những năm 1890s nên từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với nhiều cổ vật mỹ nghệ Huế truyền lại trong gia đình. Dù tới lớn mới biết đến gốc gác này nhưng từ nhỏ tôi đã có ấn tượng rất sâu sắc về nhà Nguyễn”, anh lý giải về việc lựa chọn họa tiết Huế vẽ lên giày.
La Quốc Bảo vẽ họa tiết cung đình Huế lên giày từ năm 19 tuổi.
Ngay từ khi học lớp 10, anh đã bắt đầu học vẽ và được dạy về vẽ màu. Sau này, anh bắt đầc học thêm trên mạng về cách xử lý màu trên chất liệu vải. Vì đã có kiến thức căn bản, anh dường như không gặp khó khăn gì nhiều về việc vẽ họa tiết lên trên giày.
Theo anh, việc thể hiện hiệu ứng “chỉ thê” có có độ nổi 3D lên trên bề mặt phẳng của hình vẽ có hơi khó khăn một chút. Tuy nhiên, anh xử lý bằng cách bôi vẽ nhiều lần, để các lớp màu chồng lên nhau cho đến khi tạo được hiệu ứng “nổi” vừa ý.
Lấy cảm hứng từ hoa văn trên áo dài bằng vải đoạn dệt trang hoa.
Tuy nhiên, không phải đôi giày nào cũng có thể vẽ được, anh cho biết bản thân yêu cầu rất khắt khe về chất liệu: phải dày, mịn và có độ thẩm thấu tốt. “Chất liệu tự nhiên luôn được tôi ưu tiên hàng đầu, như cotton và da. Vì vậy, tôi thường dùng loại giày được gia công và phân phối thông qua Converse trong nước, một số khách hàng có kích cỡ chân ngoại cỡ mới nhập từ nước ngoài”, anh nói.
Thời gian để hoàn thiện trang trí một đôi giày thường mất từ 30-40 tiếng. Bởi anh phải tự làm hoàn toàn tất cả các khâu từ dựng hình, thực hiện vẽ màu và chụp hình, quay phim sản phẩm.
Giày lấy cảm hứng từ Nhật Bình của Đức Từ Cung.
Giày lấy cảm hứng từ Nhật Bình của Trưởng công chúa nhà Nguyễn.
Mỗi sản phẩm này anh đều phải thực hiện qua 5 công đoạn: nghiên cứu về hiện vật lấy cảm hứng, như lịch sử, bối cảnh, câu chuyện liên quan; chọn ra mẫu hoa văn cụ thể và sơ lược ý nghĩa của hoa văn; dựng hình 3D thử nghiệm; vẽ phác họa; cuối cùng là tạo hình chính thức và lên màu.
Anh cho biết trước khi vẽ được anh đều phải xử lý các lớp làm bóng/ lớp bảo vệ được phủ lên giày mà chuyên môn gọi là finish layer. Vì chỉ khi khử hoàn toàn các lớp đó, đôi giày mới thực sự bám màu tốt.
Giày cảm hứng Mành rồng treo trên Thái Bình Lâu.
Giày lấy cảm hứng từ Bình lãnh của Mệnh phụ phu nhân nhà Nguyễn.
Để thực hiện việc vẽ trên giày, theo anh, người vẽ cần nhất là kiến thức, đó là yếu tố tiên quyết nếu muốn khai thác về văn hoá. “Phải biết được mình đang thể hiện đồ án gì, ý nghĩa ra sao, có phù hợp với bối cảnh không. Việc nhập nhằng văn hoá giữa các khu vực nếu không có một chủ đích hay lí do cụ thể sẽ rất dễ tạo ra hiệu ứng tiêu cực. Vì khai thác văn hoá là vấn đề khá nhạy cảm, cần được nghiên cứu kĩ lưỡng và đòi hỏi nhiều thời gian tiếp xúc, nghiên cứu”, anh thẳng thắn chia sẻ.
Giá bán của mỗi đôi tùy vào số lượng họa tiết cũng như thể thức trình bày, dao động từ 7 -12 triệu đồng. Do đây là nghề tay trái nên anh cũng chỉ vẽ khi có thời gian và có khách đặt hàng, còn anh vẫn dành nhiều thời gian cho công việc chính là sưu tầm và săn lùng các mẫu giày hiếm.
Trong tương lai, anh muốn sở hữu riêng một thương hiệu thời trang ứng dụng mỹ thuật cung đình chứ không chỉ dừng lại ở dòng giày. Bên cạnh đó, anh Bảo cũng muốn phát triển một dòng dịch vụ/ sản phẩm cao cấp là tái hiện các lễ phục cung đình nhà Nguyễn đúng theo lối xưa với các chất liệu cố gắng bám sát lịch sử nhất có thể.