Thông tin Công ty Tuấn Thiện bị cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản đang gây xôn xao dư luận tỉnh Lâm Đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Thanh tra Sở khẩn trương hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành chính, hành vi tác động khai thác cao lanh ra ngoài ranh giới cấp phép của Công ty Tuấn Thiện.
Theo tìm hiểu, Công ty Tuấn Thiện được thành lập vào ngày 19/06/2002, có mã số thuế doanh nghiệp là 0302637236. Doanh nghiệp này đóng trụ sở tại số 855 QL20, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, do ông Cao Văn Chính là người đại diện theo pháp luật.
Công ty Tuấn Thiện đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.
|
Khai thác cao lanh tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: ĐBND). |
Về loạt sai phạm khai thác cao lanh của Công ty Tuấn Thiện, thông tin trên báo Đại biểu Nhân dân cho biết, trước đó, ngày 3/1/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có báo cáo số 13/BC-STNMT kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến cao lanh đối với Công ty Tuấn Thiện. Theo báo cáo, Công ty Tuấn Thiện còn vướng hàng loạt tồn tại, sai phạm.
Cụ thể, về Luật Đầu tư: Công ty đã lắp đặt 1 tổ hợp dây chuyền chế biến lọc cao lanh và sàn lọc cát nhưng không đúng theo hồ sơ dự án đầu tư được phê duyệt và giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Tiến độ đầu tư chậm, mặc dù đã được gia hạn thời gian thực hiện đến hết quý II/2023.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp, Công ty Tuấn Thiện phải đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cao lanh tại khu vực dự án nhưng đến nay công ty chưa đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh lọc cao lanh theo hồ sơ dự án được phê duyệt và giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Nguyên nhân do Công ty Tuấn Thiện chưa thỏa thuận bồi thường về đất, tài sản có trên đất cho các hộ dân có đất trong khu vực dự kiến xây dựng nhà máy.
Cũng theo báo cáo, về Luật Đất đai, Công ty Tuấn Thiện đang sử dụng diện tích 22,26ha đất để hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến cao lanh nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013. Hành vi trên là hành vi chiếm đất được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Công ty Tuấn Thiện sử dụng 2,08ha đất phi nông nghiệp để sử dụng vào hoạt động khai thác khoáng sản, đã hết thời hạn thuê đất vào ngày 26/12/2004, không được gia hạn thời hạn sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh. Sau khi được Bộ TN&MT cấp phép khai thác khoáng sản (mới) số 345/GP-BTNMT ngày 10/2/2015, Công ty Tuấn Thiện tiếp tục sử dụng để hoạt động khai thác cao lanh từ đó đến nay.
Sử dụng 9,268ha đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, có nguồn gốc (một phần) sang nhượng từ dân nhưng không hoàn thành các thủ tục thuê đất và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đây là hành vi lấn, chiếm đất quy định tại điểm b và d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ; Hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 14 nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Sử dụng diện tích 10,911ha đất nông nghiệp có nguồn gốc là đất sản xuất nông nghiệp do Công ty Tuấn Thiện thỏa thuận bồi thường tài sản trên đất, nhận sang nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân, tổ chức sử dụng đất tại khu vực dự án nhưng chưa thực hiện các thủ tục thuê đất theo quy định. Đây là hành vi chiếm đất được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3, hành vi chiếm đất nông nghiệp tại khu vực nông thôn quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT, chỉ đạo các phòng, ban cơ quan đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát hiện trường.
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Bộ TN-MT xem xét dừng hoạt động khai thác khoáng sản để xử lý các sai phạm theo quy định hiện hành hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản số 345/GP-BTNMT ngày 10.2.2015 của Bộ TN-MT theo thẩm quyền.