Với mong muốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ông Trần Quốc Lễ, 52 tuổi, hội viên nông dân ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện trung du Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã chuyển 4ha đất đồi trồng mía trước đây sang trồng xoài đặc sản - xoài cát mốc.
Hỏi chuyện trồng xoài, ông Trần Quốc Lễ chia sẻ: "Cả xã Tây Giang có vài người trồng xoài cát mốc, tuy nhiên tính qua tính lại, chỉ mình tôi đến nay vẫn kiên trì trồng giống xoài này. Cơ duyên là tôi được anh vợ giới thiệu về giống xoài cát mốc - một giống xoài thơm ngon có mặt lâu đời ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.
Những năm 1999, tôi mua 130 cây xoài cát mốc giống ở xã Bình Tường về trồng trên trang trại của gia đình, rộng 4ha, sau đó trồng thêm, mở rộng diện tích giống xoài đặc sản này.
Trước đó, ông Lễ cũng đã trồng thử vài chục cây xoài khác - xoài cát Hòa Lộc, di giống từ miền Nam ra Bình Định. Tuy nhiên, do không am hiểu về đặc tính của giống xoài cát Hòa Lộc, nên sau thời gian trồng vài năm, ông Lễ thấy hiệu quả không cao.
Ông Lễ quyết định thay giống xoài cát mốc. Sau 4 năm chăm sóc, vườn xoài của ông cho trái vào mùa đầu tiên, khi chín xoài đạt chất lượng cao, thơm ngon như.
Hơn 24 năm nay, trang trại đặc sản xoài cát mốc của ông Trần Quốc Lễ vẫn ổn định trong thời kỳ sản xuất, kinh doanh.
Được chăm sóc tốt nên trang trại xoài cát mốc của ông Lễ luôn đạt năng suất tăng cao vượt trội, bình quân 350 kg trái/cây, đặc biệt có cây đạt năng suất 500 kg trái/cây.
Xu hướng tiêu dùng hiện nay là ưu tiên thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, do vậy khi biết trang trại xoài đặc sản của ông Trần Quốc Lễ chỉ sử dụng phân chuồng hoai, sử dụng bẫy dẫn dụ côn trùng, nhất là ong chích hút, đục trái, hạn chế sử dụng hóa chất, đầu tư chăm sóc, tưới nước theo hướng thâm canh hữu cơ nên nhiều thương lái đã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm.
"Bạn hàng trong và ngoài huyện Tây Sơn ( Bình Định ), thương lái ở các tỉnh Gia Lai, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các nơi khác ưa chuộng xoài Cát Mốc của gia đình tôi. Cứ đến mùa xoài là liên hệ, đem xe tải đến trang trại mua. Với giá bán thời điểm từ 20 - 25 ngàn đồng/kg, sau trừ chi phí, gia đình tôi có lãi ròng hơn 250 triệu đồng/năm" - Ông Trần Quốc Lễ quả quyết.
Nói thêm về bí quyết trồng xoài giống Cát Mốc, ông Lễ cho biết: "Tôi đào hố kích thước 6 cm x 6 cm x 6 cm/ hố, trồng hàng cách hàng 10 m, cây cách cây 12 m. Dùng đất mặt trong trang trại đưa xuống lót ở đáy hố với khối lượng 1/3 hố. Khi cây con lớn, cao được 5 cm - 7 cm thì bấm đọt, mục đích là tạo tán hình chóp nón cho cây xoài sau này. Với hình chop nón, cây xoài quang hợp ánh sáng mặt trời đều khắp, là một trong những yếu tố làm cho năng suất cây xoài tăng vượt trội".
Ông Lễ cho biết thêm: Giai đoạn quả non cần phải tưới nước đầy đủ cho cây để hạn chế rụng quả sinh lý. Mỗi gốc đều được lắp vòi tưới tiết kiệm nước để dưỡng cây và giữ quả non. Khoảng 2 tuần đầu sau khi đậu quả, bắt đầu tỉa quả, tính toán đến khi thu hoạch thì cây lâu năm hơn thì để số lượng quả tùy vào tán to hay nhỏ".
Ông Trần Quốc Lễ vui vẻ: Chưa bao giờ xoài ra nhiều hoa, đậu quả tỷ lệ cao như năm nay, mang niềm vui tới cho người trồng. Hy vọng một vụ trái bội thu sẽ đến".
Theo ông Lễ, năm nay vườn xoài của gia đình sẽ kịp thu hoạch rộ vào dịp Tết Đoan Ngọ (tức mùng 5/5 âm lịch) để phục vụ nhu cầu thị trường khắp nơi.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn cho biết: Ông Trần Quốc Lễ ở xã Tây Giang đã mở hướng tiên phong đưa giống cây trồng mới vào sản xuất và đem lại kết quả tốt, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hội Nông dân huyện Tây Sơn có kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên tham quan, học tập mô hình mới này để nhân rộng trên địa bàn huyện. Hội phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn nông dân đăng ký, xây dựng mã vùng trồng tập trung để dễ quản lý, dễ giám sát, đánh giá quá trình canh tác.