Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là một trong những nhận định nổi bật của Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa được công bố.
|
Năm 2021, dù dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp, thương mại điện tử ước tính đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Ảnh minh họa |
TPHCM và Hà Nội là những địa phương chịu phong toả nặng nề nhất để phòng chống Covid-19, nhưng tiếp tục dẫn đầu về thương mại điện tử. Trong khi đó, các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước.
Theo Báo cáo, tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai.
Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6 - 9/2021 trùng với đợt dịch Covid-19 thứ tư. Trong thời gian này, toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Đồng thời, người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh và vững chắc hơn.
Báo cáo EBI 2022 đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở nước ta, tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại mọi địa phương.
Năm 2021, trong khi Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,6% so với năm trước, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%, thì ba lĩnh vực có mối quan hệ qua lại khăng khít là bán lẻ trực tuyến, tài chính số và giao hàng chặng cuối cùng tăng trưởng mạnh mẽ.
Các lĩnh vực gọi xe và gọi đồ ăn công nghệ cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh tương đối mới như giáo dục số (EdTech), bất động sản số (PropTech) hay chăm sóc sức khỏe số (HealthTech) có sự tăng trưởng nhanh.
Nghiên cứu của Accenture năm 2021 cho biết gần 2/3 thành viên các mạng xã hội được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng (Social Commerce), tức là toàn bộ trải nghiệm mua sắm của một khách hàng - từ khi tìm kiếm sản phẩm đến khi hoàn tất thương vụ - diễn ra trên một nền tảng mạng xã hội. Con số tương ứng là gần hai tỷ người trên phạm vi toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán trong cộng đồng. Điểm nổi bật là mua bán trong cộng đồng sẽ tạo ra sức mạnh lớn cho các thương hiệu nhỏ và vô vàn cá nhân.
>>> Mời độc giả xem thêm video 3 sàn thương mại điện tử Việt Nam lọt vào top 10 Asean và hơn thế nữa: