Thương mại điện tử - “cứu cánh” hàng Việt giữa đại dịch COVID-19

Google News

Không chỉ hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thương mại điện tử còn là cầu nối đưa hàng Việt đến khách hàng quốc tế trong bối cảnh COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những tác động theo chiều hướng tiêu cực đối với các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Theo đó, thương mại điện tử là một trong những cánh cửa hữu hiệu nhất kết nối cung – cầu, vừa đảm bảo giá cả vừa giúp gây dựng thương hiệu cho hàng Việt.
Thương mại điện tử trợ lực nông sản mùa dịch thế nào?
Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều loại nông sản không có nơi tiêu thụ, giá bán tại vườn rẻ như cho. Phần lớn người nông dân không muốn thu hoạch bởi tiền bán ra không đủ bù trừ chi phí thuê người thu hoạch.
Đáng chú ý, tại các vùng nguyên liệu, nông sản dồn ứ, song tại các thị trường chính như TPHCM, giá cả leo thang do đang thiếu hàng thiết yếu để chống dịch và duy trì sản xuất.
Có thể kể đến như tỉnh Long An có hơn 11.200 ha trồng chanh, sản lượng 75. 000 tấn đang vào mùa thu hoạch. Giá chanh ở Long An chỉ từ 4.000 - 10.000đ/kg, nhưng tại TPHCM và nhiều nơi khác đang ở mức 20.000 - 30. 000đ/kg.
Thuong mai dien tu - “cuu canh” hang Viet giua dai dich COVID-19
Đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Ảnh: Báo Đảng Cộng Sản
Không chỉ tại các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương ở miền Bắc cũng phải tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đó, Vietnam Post và Viettel Post chịu trách nhiệm chính để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước.
Sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Vietnam Post) đã lên kế hoạch đưa thông tin của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên Postmart.vn từ nay đến hết năm 2021. Nhân viên Postmart.vn đang tỏa xuống các địa phương để tập huấn cho các hộ nông dân thực hiện các kỹ năng livestream, họp nhóm...
Tương tự, Shopee thực hiện Chương trình “Thực phẩm bình ổn” nhằm cung cấp các loại trái cây đúng vụ, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tươi ngon, an toàn...
Hàng Việt ra thế giới nhờ thương mại điện tử
Không chỉ giúp tiêu thị hàng hoá cho người dân, thương mại điện tử còn là cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong xuất nhập khẩu theo cách truyền thống, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại.
Theo đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trên khắp 5 châu lục gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng châu Phi, Australia.
Điển hình là vải thiều được giới thiệu sang nhiều thị trường tiềm năng mới như Pháp, Nhật Bản, Hà Lan với giá lên đến gần 500.000đ/kg nhưng vẫn "cháy hàng".
Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trên 4.000 doanh nghiệp của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số gần đây cho thấy, có đến 99% doanh nghiệp kết nối internet và các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ triển khai thí điểm hình thức mới là tham gia hội chợ từ xa - lựa chọn các hội chợ có uy tín. Từ đó, tạo điều kiện trực tiếp quảng bá sản phẩm đến khách hàng quốc tế.
Ngoài ra, Cục còn hợp tác với các sàn thương mại điện tử uy tín trên thế giới như Amazon, Alibaba, Global Sources nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí xúc tiến xuất khẩu và giới thiệu thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và nhà nhập khẩu toàn cầu.
Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)