Phát triển mô hình trồng táo muối leo giàn
Từ nhiều năm nay, phường Bàng La (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) có nghề truyền thống trồng táo trên đất làm muối. Cũng chính bởi vậy, giống táo ngon trứ danh Bàng La được nhiều người biết đến với cái tên táo muối.
|
Là Bí thư phường, công việc hành chính vô cùng bận rộn nhưng ông Bùi Duy Dũng vẫn dành nhiều thời gian cho cây táo và vô cùng tâm huyết với loại cây trồng truyền thống của địa phương này. |
Ông Bùi Duy Dũng, Bí thư phường Bàng La cho biết, cả phường Bàng La hiện nay có khoảng 1000 hộ trồng táo với 120 ha. Hộ trồng nhiều nhất là 300 cây. Mùa táo muối Bàng La thường từ tháng 11 đến hết tháng 1 âm lịch. Cụ Nguyễn Quang Phát là người trồng táo đầu tiên ở Bàng La, cách đây khoảng 50 năm. Ban đầu, số lượng chỉ khoảng khoảng hơn chục cây, sau đó được nhân rộng ra các hộ khác.
Là Bí thư phường, công việc hành chính vô cùng bận rộn nhưng ông Bùi Duy Dũng vẫn dành nhiều thời gian cho cây táo và vô cùng tâm huyết với loại cây trồng truyền thống của địa phương này. Với thâm niên trồng táo hơn 20 năm, hiện tại, gia đình ông Dũng đang có 200 gốc táo. Bình quân mỗi ngày cho thu hoạch hơn 1 tạ với giá bán buôn từ 25-30k/kg.
Năm 2012, 2013 có mấy cơn bão, Bàng La mất mùa táo. Trăn trở phương pháp để chống gió, chống thiệt hại cho táo khi có bão, ông Dũng lang thang trên mạng tìm hiểu. Thấy mô hình táo leo giàn trong Ninh Thuận có nhiều tương đồng, bí thư phường Bàng La liền thu xếp công việc vào học hỏi.
"Trong Ninh Thuận người ta trồng táo kết hợp với làm du lịch rất tốt, thế là mình học về áp dụng cho địa phương. Vẫn là giống táo muối địa phương nhưng trồng bằng phương pháp leo giàn cho năng suất gấp đôi và chất lượng ngon hơn táo truyền thống, bên cạnh đó việc canh tác cũng thuận lợi hơn”, Bí thư phường Bàng La chia sẻ.
|
Bí thư phường Bàng La là người đầu tiên tại địa phương trồng táo theo phương pháp leo giàn. |
Là người đầu tiên tại địa phương trồng táo theo phương pháp leo giàn, Bí thư phường Bàng La cho biết, phương pháp trồng leo giàn cũng gặp chút khó khăn vì chi phí ban đầu bỏ ra nhiều hơn phương pháp truyền thống và phải trồng mới hết toàn bộ từ đầu. Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 10 -15 triệu/sào, tính cả lưới.
Trồng táo leo giàn phải tỉa cành, ép cành theo giàn từ bé, thời gian đầu mất công hơn nhưng sau đó thì nhàn hơn, canh tác nhổ cỏ, đi lại dễ hơn. Mặt khác, trồng táo leo giàn sẽ kết hợp với làm du lịch được tốt hơn.
|
Năm nay là năm thứ 4 ông Dũng áp dụng mô hình trồng táo leo giàn và thí điểm trồng cả 2 vụ. |
Diện tích trồng táo giàn hiện nay của nhà ông Dũng là 100 gốc. Năm được mùa thu hoạch khoảng 300 triệu đồng. Năm nay là năm thứ 4 ông Dũng áp dụng mô hình trồng táo leo giàn và thí điểm trồng cả 2 vụ. Vụ hè táo sai quả và ngọt hơn vụ đông. Năm đầu tiên bắt đầu thí điểm, thông qua báo đài, đã có rất nhiều đơn vị, học sinh của các trường nội thành đến thăm quan, trải nghiệm và mua táo tại vườn.
Trăn trở gắn thương hiệu táo muối Bàng La với du lịch
Với vị ngọt thanh, đậm đà mang đặc trưng riêng của vùng đất ven biển, từ nhiều năm nay, táo muối Bàng La đang dần khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu thì việc kết hợp táo muối Bàng La với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là điều vô cùng cần thiết.
|
Vườn táo leo giàn sai trĩu quả |
Bí thư Bùi Duy Dũng cho biết, táo leo giàn là một sản phẩm nông nghiệp đặc sắc ở khu vực Đồ Sơn, rất thuận lợi để kết hợp du lịch. Đảng, nhà nước ta đã có chủ trương phát triển du lịch kết hợp làm nông nghiệp. Bàng La cách trung tâm du lịch Đồ Sơn chỉ khoảng 3 km. Nếu đưa được khách từ đó về trải nghiệm tại các vườn táo thì rất thuận tiện, sẽ tạo thành chuỗi du lịch, có thể giữ chân được được du khách khi đến Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Giàn táo ở bên trên, khách du lịch có thể thuận lợi tham quan trải nghiệm ở bên dưới mà không sợ gai táo làm bị thương. Đồng thời du khách cũng có thể tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, chụp ảnh check-in dưới giàn táo xanh mát và thưởng thức những trái táo ngọt lịm. Đó là những trải nghiệm rất tuyệt vời”.
|
Du khách thích thú trải nghiệm được ăn táo tại vườn |
Trồng táo leo giàn có nhiều ưu điểm là vậy tuy nhiên chưa được người dân Bàng La áp dụng vì còn nhiều e ngại. Bí thư phường Bàng La vô cùng trăn trở: Táo là loại cây trồng truyền thống chủ lực của địa phương, tuy nhiên hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự đồng bộ, chuyên nghiệp. Khó khăn đầu tiên đó là về cơ chế, chính sách. Bởi để xây dựng được điểm du lịch nông nghiệp, người đầu tư phải hoàn thiện hệ thống tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống. Trong khi đất trồng táo chủ yếu là đất nông nghiệp, theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng các công trình kiên cố. Nhiều khi khách đến tham quan muốn được phục vụ ăn nghỉ tại vườn táo nhưng chủ vườn phải từ chối vì không được phép.
|
Các em học sinh vô cùng hào hứng khi được trải nghiệm tham quan vườn táo |
Khó khăn thứ hai đó là ở Bàng La chủ yếu trồng táo muối truyền thống, một năm chỉ có 1 vụ vào mùa đông, trong khi khách lại tập trung vào mùa hè. Nếu trồng táo leo giàn thì sẽ được 2 vụ/năm, thuận lợi cho kết hợp làm du lịch. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có gia đình ông Dũng áp dụng mô hình trồng táo leo giàn. Các hộ dân khác vẫn còn tâm lý e ngại, chưa dám thử phương pháp mới, mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong khi đó, muốn làm du lịch nông nghiệp cần phải có sự đồng bộ, nhiều hộ gia đình cùng làm chứ không phải chỉ một cá nhân.
Khó khăn tiếp nữa là Bàng La chưa có tổ chức kinh tế, hoặc doanh nghiệp đồng hành cùng trong việc quản lý, hướng dẫn chăm sóc, bao tiêu sản phẩm… Các hộ dân trồng táo ở Bàng La vẫn mang tính cá nhân, tự phát nên việc phát triển thương hiệu táo Bàng La nhiều năm nay cũng bị hạn chế. Mặc dù trước đây Bàng La có thành lập HTX trồng táo với khoảng 30 hộ thành viên, tuy nhiên HTX này hoạt động không hiệu quả.
Gỡ khó cho du lịch nông nghiệp, nông thôn
Quả thật, để phát triển được thương hiệu táo muối Bàng La gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn là một bài toán vô cùng nan giải đối với các hộ dân trồng táo cũng như các cấp chính quyền địa phương nơi đây. Ông Lê Đức Hợp - Trưởng phòng Du lịch, Văn hóa và Thông tin quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng cho biết, Đồ Sơn rất mong muốn táo Bàng La trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Tuy nhiên, để trở thành một sản phẩm du lịch thì cần phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí. Đơn cử ít nhất phải có một nhóm hộ gia đình trồng táo cùng thực hiện mô hình, phải được công nhận là điểm du lịch thì mới đưa khách về được. Ngoài ra, đồng thời đưa khách xuống vườn cũng còn nhiều vấn đề khác như phải có nơi tiếp đón, vệ sinh môi trường đảm bảo, an ninh trật tự… Hiện nay đang có nhiều vướng mắc, đặc biệt là về đất đai, về quy hoạch, hồ sơ giấy tờ, thủ tục.
|
Để phát triển được thương hiệu táo muối Bàng La gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn là một bài toán vô cùng nan giải đối với các hộ dân trồng táo cũng như các cấp chính quyền địa phương nơi đây. |
Cũng theo ông Lê Đức Hợp, hiện nay táo Bàng La vẫn chỉ là một sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đơn thuần, muốn trở thành sản phẩm du lịch, phường Bàng La cần phải có chủ trương, đưa vào nghị quyết và xây dựng đề án, báo cáo lên các cấp cao hơn. Phòng du lịch, văn hóa và thông tin quận Đồ Sơn rất ủng hộ. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm gắn với du lịch cũng cần phải có lộ trình.
Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp, ngày 11/5/2023, UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030. TP Hải Phòng dự kiến hỗ trợ mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP theo mô hình chuỗi liên kết cung ứng với sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. TP Hải Phòng sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình tích tụ ruộng đất cũng như xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp.
|
TP Hải Phòng đang tích cực tìm cách gỡ khó cho du lịch nông nghiệp, nông thôn |
Trong khi chờ cơ chế, chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng thì người trồng táo Bàng La cũng như các nhà đầu tư sản phẩm nông nghiệp khác tại Hải Phòng đang từng ngày từng giờ mong mỏi được tháo gỡ nút thắt. Hi vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố, du lịch nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng sẽ có những bước phát triển mới trong thời gian không xa.