Thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh?
Vừa qua, báo điện tử Kiến Thức liên tục tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh về sản phẩm Cumargold fast được phân phối bởi Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI (Hà Nội) chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN), nhưng lại được quảng cáo như một loại thuốc chữa bệnh, đặc trị viêm loét dạ dày.
Cụ thể, trên fanpage facebook có tên “CumarGold Fast - Vĩnh biệt cơn đau, lành mau vết loét dạ dày” được cho là của Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI, với hàng nghìn lượt like, ngay ở phần giới thiệu thông tin sản phẩm đã khẳng định: “Chữa đau dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm hang vị dạ dày, giảm ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, trào ngược dạ dày, đầy bụng, ăn không tiêu. CumarGold Fast - cắt cơn đau chỉ sau 2 giờ” hay “CumarGold Fast - chữa đau dạ dày”.
|
Ngay ở phần giới thiệu sản phẩm, fanpage facebook “CumarGold Fast - Vĩnh biệt cơn đau, lành mau vết loét dạ dày” đã khẳng định sản phẩm này chữa đau dạ dày, viêm loét dạ dày... Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. |
Đáng nói, là hầu hết các bài viết quảng cáo về TPCN CumarGold Fast được đăng tải lên fanpage facebook này cũng đều khẳng định sản phẩm này có thể “giảm cơn đau dạ dày nhanh chóng và cải thiện”. Nội dung các bài viết cũng không hề đề cập đến sản phẩm CumarGold Fast là thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Hiện, vẫn chưa rõ fanpage facebook nói trên có phải của Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI hay không. Tuy nhiên, cách quảng cáo CumarGold Fast như một loại thuốc điều trị bệnh đau dạ dày trong khi sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật thế nào?
Chưa hết, còn tại website “http://cumargoldfast.vn”, dòng thông tin "sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" rất lập lờ, không được ghi rõ ràng trong các bài viết giới thiệu về sản phẩm CumarGold Fast mà chỉ được ghi thành hàng chữ rất nhỏ nằm ở tận dưới cùng website khiến người xem khó phát hiện.
Dùng ảnh người lạ quảng cáo sản phẩm?
|
Những nhân vật được cho là đã dùng thực phẩm chức năng CumarGold Fast được đăng tải lên website http://cumargoldfast.vn để quảng cáo sản phẩm này. |
Tại website http://cumargoldfast.vn còn đăng tải rất nhiều hình ảnh cùng những lời khen ngợi có cánh của một số nhân vật được cho là đã mua dùng sản phẩm CumarGold Fast. Thậm chí trong số các nhân vật có cả những người mặc quần áo sĩ quan quân đội.
Như để thổi phồng sản phẩm để đánh thẳng vào lòng tin của khách hàng, website http://cumargoldfast.vn còn sử dụng hình ảnh của một số chuyên gia đầu ngành trong các bài viết.
Tuy nhiên, có thật sự những nhân vật được nhắc đến trong các bài viết quảng cáo Cumagold fast đã và đang dùng sản phẩm này, việc sử dụng hình ảnh như vậy có đúng với quy định của pháp luật, hay chỉ là chiêu trò của nhà phân phối để đánh lừa khách hàng?
|
Sản phẩm CumarGold Fast chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. |
Phạm luật tới mức nào?
Tra cứu văn bản pháp luật, tại khoản 2 Điều 27 chương 8 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định rõ về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Đặc biệt, Điểm a khoản 3 Điều 27 chương 8 của Nghị định này cũng nhấn mạnh: “Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền”.
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh thông Luật, Đoàn LS TP HCM nhấn mạnh: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, ông Bình nhấn mạnh.
Vị luật sư này cũng đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, xác minh và xử lý mạnh tay trước việc các TPCN như Cumagold fast quảng cáo sai công dụng để thị trường kinh doanh được cạnh tranh công bằng, người tiêu dùng yên tâm, đồng thời răn đe cho những trường hợp khác có ý định vi phạm tương tự.
Kiến Thức tiếp tục thông tin.
Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Bản chất của TPCN chỉ là hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những trường hợp quảng cáo sai sự thật. Thậm chí một số nhà in, nhà xuất bản tham gia làm các ấn phẩm có nội dung không đúng với quy định và quảng cáo TPCN phóng đại như thần dược, làm cho người tiêu dùng lầm tưởng.