Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá
Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, chính trong đại dịch COVID-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP HCM 2022. Ảnh: Hữu Tôn. |
Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục phát triển kinh tế số, Phó Thủ tướng lưu ý, phương châm thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào vì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số.
Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Với những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện; còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội.
Hành động để bứt phá
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP HCM 2022, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, xu hướng nổi bật hiện nay là nền kinh tế không tiếp xúc, nền kinh tế dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Do đó, chúng ta cần phải có tầm nhìn toàn cầu, có tư duy quốc gia và hành động cụ thể của địa phương, dựa trên vị thế, tiềm năng, lợi thế cụ thể của mình.
|
Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2022 thu hút đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp, khách mời tham dự. Ảnh: Hữu Tôn. |
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, TP HCM có vị thế, tiềm năng để phát triển kinh tế số. TP với quy mô nền kinh tế lớn; trung tâm đổi mới sáng tạo, có trung tâm công nghệ cao lớn nhất cả nước; có đội ngũ nguồn nhân lực công nghệ thông tin phát triển mạnh; có trình độ ngoại ngữ tốt, là nơi khởi xướng nhiều tinh thần đổi mới và đột phá.
Bên cạnh đó, TP cũng có tỷ lệ người dân tham gia kết nối Internet và sử dụng điện thoại di động cao nhất cả nước. TP có một cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực này, đồng thời có mối quan hệ với cộng đồng các nhà khoa học ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia kiều bào. Tất cả các nguồn lực này đang thực sự là lợi thế lớn đòi hỏi TP tiếp tục tiếp cận, khơi dậy để phát huy.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, TP HCM cũng gặp không ít những khó khăn. Điều này đòi hỏi TP cần phải tổng kết, rà soát lại để xây dựng, bổ sung hạ tầng cho phù hợp với thực tiễn; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; đổi mới về thể chế và nâng cao trình độ dân trí để tiếp cận với chuyển đổi số, kinh tế số.
GS.TS Nguyễn Thị Cành, ĐH Kinh tế - Luật TP HCM cho rằng, TP HCM cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực số.
Cụ thể, TP HCM cần có đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do TP quản lý. Để làm được việc này, TP cần phân loại, sắp xếp tầm quan trọng các cơ sở đào tạo theo ngành đào tạo mà Nhà nước phải đầu tư phục vụ phát triển kinh tế số và dịch chuyển cơ cấu kinh tế.
TP HCM cũng cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng bằng các quy định hấp dẫn, thu hút các nguồn lực vào các dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số; có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như tạo vốn kích cầu, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng dịch vụ công…
TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol cũng cho rằng, TP HCM cần phải có độ mở lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh áp dụng kinh tế số. Hiện có hai vấn đề đang gây khó khăn cho quá trình này.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiến hành chuyển đổi số nên cần có khung pháp lý để hỗ trợ. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị phát triển tài chính vẫn đang ngần ngại đưa ra công cụ mới liên quan đến kinh tế số vì họ chưa thấy bộ khung pháp lý cho hoạt động này.
Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng khung pháp lý cho phép thí điểm (sandbox) cho những khởi nghiệp và sáng kiến công nghệ mới ở TP HCM. Góc nhìn sandbox nên đưa ra quy chế chung và khi mọi người hoạt động trong khung khổ đó thì được phép làm bất cứ thứ gì họ nghĩ ra, có như vậy các công nghệ số mới nhanh thành công.
>>>
Mời độc giả xem thêm video Top 10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam 2020| (Nguồn VTV24)