Tổng công ty hạ tầng Cửu Long làm ăn sao trước khi sáp nhập VEC?

Google News

Được thành lập với mục tiêu là trở thành các doanh nghiệp nòng cốt của ngành Giao thông vận tải về đầu tư, xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc nhưng Cửu Long CIPM đều gặp khó khăn về nguồn vốn. 

Ngày 30/3, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) chính thức được sáp nhập về Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Theo đó, từ nay VEC sẽ tiếp nhận lại Cửu Long CIPM, kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và xoá bỏ Cửu Long CIPM.
CIPM hoạt động không suôn sẻ
Tong cong ty ha tang Cuu Long lam an sao truoc khi sap nhap VEC?
CIPM sáp nhập vào VEC.  
Cửu Long CIPM được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ và lấy 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ làm công ty thành viên.
Ngoài 2 đơn vị thành viên nói trên, CIPM còn góp 10% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, doanh nghiệp dự án đại diện các nhà đầu tư quản lý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn km0+000 ÷ km123+105,17 trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BT.
Vào thời điểm đó, CIPM được kỳ vọng là đầu mối thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam.
Tuy nhiên, sau gần 9 năm, hoạt động của Cửu Long CIPM không được suôn sẻ như kỳ vọng khi để lỡ hầu hết các mục tiêu đề ra, trong đó vốn điều lệ chưa được cấp đủ (thực tế vốn điều lệ được cấp đến nay là 136,42/1.500 tỷ đồng, đạt khoảng 9%); chưa tham gia đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn vay thương mại.
Tính đến hết năm 2018, Cửu Long CIPM nắm gần 33.000 tỷ đồng tổng tài sản, tương ứng 1,5 tỷ USD, trong đó chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn (31.282 tỷ đồng) tập trung vào các dự án như: Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông (13.323 tỷ), dự án đường hành lang ven biển phía Nam (5.540 tỷ), dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (5.560 tỷ), dự án xây dựng cầu Cần Thơ (2.242 tỷ), dự án xây dựng tuyến N2 (Củ Chi – Đức Hòa & Thanh Hóa – Mỹ An) (1.034 tỷ),…
Theo BCTC 2018, lãi trước thuế của Cửu Long CIPM là 8,1 tỷ đồng, giảm 46,52% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 31/12/2018, vốn góp của Cửu Long CIPM chỉ là 136,4 tỷ đồng trong tổng số 1.500 tỷ vốn điều lệ (Theo Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT và trên Giấy phép đăng ký kinh doanh).
Tháng 1/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương tổ chức lại doanh nghiệp theo hướng sáp nhập CIPM vào VEC. Đồng thời, tách một phần thành lập Ban QLDA Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT. Đây cũng là dấu chấm hết cho Cửu Long CIPM với nhiều kỳ vọng bất thành.
Doanh thu năm 2019 của VEC đạt hơn 4.000 tỷ đồng
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được thành lập ngày 6/10/2004. VEC là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với 5 dự án trị giá hơn 10 tỷ USD, gồm: Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.
Theo báo cáo của VEC, trong năm 2019, đã có 46,3 triệu lượt phương tiện lưu thông trên 4 tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý, qua đó thu về hơn 4.052 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2018.
Trong đó, tuyến Nội Bài - Lào Cai đạt doanh thu cao nhất với 1.561 tỷ đồng, thấp nhất là tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi với 347,29 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đạt hơn 1.319 tỷ đồng.
Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)