Chính phủ vừa ban hành Nghị định 64/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó có Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Với lương phi công người Việt, nghị định mới cho phép Vietnam Airlines trả lương từ quỹ lương chung của đơn vị. Sau đó, nếu mức lương phi công người Việt vẫn thấp hơn phi công người nước ngoài cùng vị trí, hãng được bổ sung quỹ lương để trả thêm cho phi công người Việt.
|
Vietnam Airlines được lập quỹ bổ sung để tăng lương cho phi công người Việt tiệm cận với mức trả cho phi công người nước ngoài từ năm 2023 (Ảnh minh họa).
|
Quỹ lương trả thêm cho phi công người Việt được xác định theo nguyên tắc, quỹ lương bổ sung tối đa bằng chênh lệch giữa lương chi từ quỹ chung cho phi công người Việt so với lương phi công người nước ngoài. Việc phân bổ quỹ tiền lương bổ sung thực hiện hằng năm, được lấy theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa phần tiền lương thực tế trả cho phi công người Việt so với quỹ lương thực hiện năm 2022.
Nguồn tiền lập quỹ lương bổ sung cho phi công người Việt theo khả năng đáp ứng tài chính của Vietnam Airlines, đảm bảo hãng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch, nếu lỗ phải giảm lỗ so với năm liền trước.
Việc bổ sung tiền lương cho phi công người Việt được thực hiện từ ngày 1/1. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, lương phi công bình quân năm 2019 hơn 138 triệu đồng/người/tháng, năm 2021 còn 89 triệu đồng/người/tháng, năm 2022 lên 91 triệu đồng/người/tháng. Lương phi công giảm do năm 2019 hãng lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng, những năm sau đó liên tục lỗ do ảnh hưởng dịch COVID-19, với mức lỗ bình quân hơn 11.500 tỷ đồng/năm.
Do lương phi công Việt ký hợp đồng với hãng nên được tính chung vào quỹ lương của đơn vị, nhóm này chỉ nhận lương bằng một nửa so với phi công người nước ngoài được thuê lại từ 1 đơn vị khác (chi phí thuê không tính vào quỹ lương chung).
Từ năm 2020 tới nay, Vietnam Airlines trả cho 1 phi công nước ngoài cao hơn 2,5 tỷ đồng/năm so với trả cho 1 phi công Việt. Cụ thể, năm 2018 - 2019, phi công Việt nhận lương từ 124 - 135 triệu đồng/người/tháng, trong khi phi công nước ngoài nhận 249 - 281 triệu đồng/người/tháng; năm 2020, con số này lần lượt là 85 triệu đồng/tháng so với 145 triệu đồng/tháng. Hiện Vietnam Airlines sử dụng 780 phi công Việt và 144 phi công nước ngoài.
Do tiền lương thấp, hãng bay này liên tục bị “chảy máu” phi công Việt. Từ năm 2018 tới nay, có 154 phi công Việt chuyển hãng khác, riêng 3 tháng đầu năm nay đã có 8 phi công Việt rời hãng. Với tốc độ phát triển đội máy bay mới của các hãng hàng không Việt Nam, mức lương không đổi, trong 3 năm tới, Vietnam Airlines có thể “mất” thêm 120-240 phi công Việt/năm (đa số là lái chính).
Theo quy định hiện hành, mức lương bình quân của phi công người Việt tại Vietnam Airlines chỉ bằng 43-48% lương bình quân phi công nước ngoài. Để lương phi công Việt bằng 80% lương phi công nước ngoài, năm nay hãng phải bổ sung thêm 510 tỷ đồng, nếu tăng lên mức bằng 90% hãng sẽ bổ sung thêm 713 tỷ đồng. Đổi lại, hãng giữ chân được phi công Việt nên tiết kiệm được khoản tiền chênh do phải sử dụng phi công nước ngoài, tổng chi phí giảm được từ 300-600 tỷ đồng/năm.