Tiền gửi lãi suất 10-11%/năm đáo hạn, đổ vào bất động sản được không?

Google News

Với mặt bằng lãi suất thấp, khi đáo hạn một khoản tiền lớn, nhà đầu tư có thể cân nhắc đổ tiền sang kênh khác, có thể kể đến bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, mua rồi cho thuê.

Thời gian qua, các ngân hàng liên tục hạ mạnh lãi suất tiền gửi. Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại 4 nhà băng lớn nhất hệ thống (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đã về 5,3%/năm, thấp hơn cả giai đoạn dịch Covid-19.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm ngân hàng này được cho là sẽ mang tính tiên phong để các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Cùng thời điểm này năm trước, lãi suất ở mức cao ngất ngưởng, có ngân hàng trả lãi trên 10-11/năm. Chưa kể, không ít ngân hàng vẫn "vượt rào", sẵn sàng trả thêm cho người gửi tiền nếu là khách quen, VIP…
Các khoản tiền gửi với lãi suất cao sau một năm đã đến lúc đáo hạn. Một bộ phận nhà đầu tư gửi tiền băn khoăn có nên dịch chuyển sang kênh bất động sản trong bối cảnh lãi tiết kiệm xuống đáy.
Chuyên gia tư vấn:
Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, nhà đầu tư nên cân nhắc các kênh đầu tư khác để tối ưu nguồn vốn cá nhân, trong đó hoàn toàn có thể cân nhắc kênh bất động sản. Tuy nhiên, đầu tư cụ thể ra sao là câu chuyện đáng bàn.
Thông thường, khi đầu tư bất động sản, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro khác nhau và cũng tùy vào thời điểm thị trường để lựa chọn phân khúc hợp lý.
Nhà đầu tư thường mong muốn khả năng tăng giá nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, thị trường hiện nay không nhiều cơ hội như vậy và những cơ hội như vậy cũng chứa nhiều rủi ro.
 
Tien gui lai suat 10-11%/nam dao han, do vao bat dong san duoc khong?
Khi lãi suất tiết kiệm xuống đáy, nhà đầu tư băn khoăn tìm kênh rót vốn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân). 
 Với thị trường hiện nay, một kênh đầu tư hợp lý và an toàn là mua để cho thuê. Những sản phẩm nhắm đến nên vừa có nhu cầu ở thật, vừa có khả năng tăng giá.
Những sản phẩm này thường đã hoàn thiện hoặc gần đến lúc hoàn thiện và giúp nhà đầu tư có nguồn thu nhập thụ động. Đây cũng là sản phẩm được săn đón và tìm kiếm khi các khoản gửi lớn với lãi suất cao đã đến thời gian đáo hạn.
Thực tế, thị trường bất động sản năm nay có dấu hiệu khó khăn. Tuy nhiên, tính riêng quý III, theo báo cáo của CBRE Việt Nam, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi khi nguồn cung của cả căn hộ chung cư cũng như của bất động sản gắn liền với đất ở Hà Nội và TPHCM có tăng trưởng so với quý I và quý II (dù tính cả 9 tháng con số vẫn thấp so với cùng kỳ).
Cụ thể, chỉ riêng thị trường chung cư Hà Nội, quý III cho thấy sự cải thiện về tỷ lệ hấp thụ với số căn bán được đạt khoảng 3.640 căn. So với quý trước, lượng căn bán được đã tăng hơn gấp rưỡi, và gần bằng với cùng kỳ năm ngoái. Còn với thị trường nhà ở gắn liền với đất, số căn bán được trong quý này tiếp tục vượt nguồn cung mới, đạt 910 căn và tăng 51% so với quý II.
Sự cải thiện của quý III đã phản ánh phần nào động thái tích cực hơn trong sự dịch chuyển về mặt bằng lãi suất. Hiện mặt bằng lãi suất ngang với mức đầu năm 2022 - ngưỡng thích hợp để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Thị trường nhiều khả năng sẽ ghi nhận khả năng thanh khoản tốt hơn với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất cũng như tâm lý mua nhà thường tích cực hơn vào thời điểm cuối năm.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thấy các doanh nghiệp đang tái cơ cấu nguồn vốn, bảng tài chính cũng như thị trường đã có động thái liên quan đến chính sách với hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ, ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ các dự án bất động sản.
Những nền tảng này kỳ vọng sẽ là tiền đề cho thị trường dần đi vào ổn định cũng như để chuẩn bị cho thị trường quay trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024.
Theo Nguyễn Hoài An/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)