Thủy sản Hùng Vương: Từ "Vua" cá tra đến ngập trong thua lỗ

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai có thể ngờ, từng là doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) giờ lại "bi đát" với khoản lỗ hơn 705 tỷ đồng sau thuế. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2017 gần 424 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán cho thấy thủy sản Hùng Vương đã lỗ gấp 10 lần so với khoản lỗ mà công ty này đưa ra trước đó là lỗ sau thuế 63,3 tỷ đồng.
Việc thua lỗ "khủng" của Hùng Vương khiến dư luận bất ngờ, dù trước đó xuất hiện nhiều thông tin ông chủ của Hùng Vương là đại gia Dương Ngọc Minh phải bán nhiều tài sản để trả nợ. 
Trước khi vướng vào nợ nần, thua lỗ và phải bán tháo tài sản, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã từng được coi là "vua" cá tra trong ngành thủy sản Nam Bộ, với nhiều thương vụ "khủng".
Hàng loạt thương vụ đầu tư trăm, ngàn tỷ
Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương được thành lập và đi vào họat động sản xuất tại Khu Công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang năm 2003 với ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu với vốn điều lệ ban đầu là 32 tỷ đồng.
Tháng 1/2007, Hùng Vương chính thức trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ đồng và nâng lên 250 tỷ đồng để hợp nhất các công ty con và đầu tư kho lạnh tại Khu Công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM. Ngoài ra, Hùng Vương còn góp vốn thành lập Công ty cổ phần Nuôi trồng Thủy sản Hùng Vương – Miền tây với tỷ lệ góp vốn là 48% trên vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.
Sau 8 năm hoạt động, tức là đến 2011, Hùng Vương trở thành doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp duy nhất có quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa lớn nhất Việt Nam và cũng là đơn vị dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, sản phẩm Hùng Vương đã có mặt trên 60 quốc gia trên thế giới.
Theo website chính thức của công ty thời điểm đó thì vốn điều lệ của Công ty CP Hùng Vương là: 659.980.730.000 đồng. Trong đó, ông Minh nắm 34,1% cổ phần của Hùng Vương, tương ứng 439 tỷ đồng.
 Đại gia Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương. Ảnh: Phố Kinh Tế.
Mời quý độc giả xem video" Thủy sản Hùng Vương lỗ hơn 49 tỷ đồng do Brexit". Nguồn: FBNC: 
Theo Vietnamnet, vào đầu năm 2013, HVG của đại gia Dương Ngọc Minh đã làm nóng thị trường M&A Việt Nam sau khi công bố một loạt thương vụ với giá trị hàng trăm tỷ đồng, trong đó có kế hoạch mua hàng triệu cổ phiếu VTF của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, một doanh nghiệp rất nổi tiếng trong mảng thức ăn chăn nuôi thủy sản tại ĐBSCL.
Với tham vọng chiếm 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, HVG mạnh tay mua lại Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Việt Đan với công suất cả trăm ngàn tấn/năm; mua cổ phần CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) để trở thành cổ đông chiến lược; mua cổ phần Thủy sản Bến Tre (FBT) từ SCIC; đồng thời tăng sở hữu tại CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) lên 51%, biến công ty này thành “con” nhằm đẩy mặt xuất khẩu sang Âu và Mỹ.
Ngoài ra, HVG còn có trong tay hàng chục nhà máy chế biến thủy sản, vài nhà máy chế biến thức ăn, cả ngàn hecta ao nuôi trồng thủy sản cùng vời nhiều kho lạnh và các bộ phận hỗ trợ khác.
Không những thế, Hùng Vương còn lấn sân sang bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài, trong đó có Nga, với kế hoạch mua lại 50% hệ thống phân phối của Russian Fish - một công ty phân phối cá đứng đầu thị trường này.
Ông chủ từng lọt Top siêu giàu Việt Nam
Khi Thủy sản Hùng Vương được xem là công ty lớn nhất trong ngành chế biến, xuất khẩu thủy hải sản trên sàn chứng khoán Việt Nam, thì ông chủ của doanh nghiệp này, đại gia Dương Ngọc Minh (SN 1956 tại TP HCM) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương và là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP (VFFC) - cũng trở thành một trong những doanh nhân giàu có nhất.
Tại thời điểm năm 2013, ông Dương Ngọc Minh được xếp vào danh sách 195 người siêu giàu ở Việt Nam với khối tài sản sở hữu khối tài sản trị giá lên đến 630 tỷ đồng.
Vỡ nợ, đi tù, thành đại gia... rồi lại ngập nợ
Mặc dù giàu có nhưng ông chủ Hùng Vương Group cũng khá nhiều lận đận. Ông từng ngồi tù 6 năm tội vì cố ý làm trái quy định nhà nước và lập quỹ trái phép, thụ án tại trại giam Xuân Lộc.
Thế nhưng, vào năm 1995, Công ty đông lạnh Hùng Vương vỡ nợ, rồi dẫn tới phá sản. Ông Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và bị buộc thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù.
Sau 6 năm cải tạo được đặc xá trước thời hạn, ông Minh trở lại thương trường. Thông qua việc thâu tóm các công ty phá sản, các doanh nghiệp nhỏ, Công ty Hùng Vương đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực thủy sản với việc khẳng định những tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận, quy mô tài sản lẫn vốn hóa thị trường.
Đáng tiếc, từ 1/10/2015 tới 31/3/2016, doanh thu xuất khẩu của công ty Hùng Vương giảm khoảng 30% khiến vị đại gia này một lần nữa rơi vào cảnh thua lỗ.
Sau một chuỗi ngày vung tiền ngàn tỷ vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành thủy sản, gần đây, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã phải bán tài sản trả nợ. HVG đã quyết định thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc. Hùng Vương thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, gồm rất nhiều lô bất động sản ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM.
HVG cũng đã việc thoái vốn tại Thực phẩm Sao Ta (FMC) và bán lô đất tại 765 Hồng Bàng, Quận 6 - TP.HCM thu về hơn 400 tỷ đồng. HVG cũng có kế hoạch bán một số lô đất nữa…
Về cổ phiếu, so với mức giá cách đây 1 năm, cổ phiếu HVG đã giảm gần 50%, hiện chỉ còn hơn 6.000 đồng/cp. Tổng tài sản quy từ cổ phiếu HVG của ông Dương Ngọc Minh "bốc hơi" khoảng 450 tỷ đồng.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)