Để kích cầu tiêu dùng nhiều cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp đã tung ra các chiêu trò như giảm giá, khuyến mại để tăng cường người mua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài các chương trình khuyến mại có bảo hộ của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng nên cảnh giác bởi nhiều đơn vị, cửa hàng đưa ra khuyến mại “ảo”.
Rầm rộ khuyến mại
Càng gần về Tết thì nhu cầu mua bán của người dân chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên phần nào đã bị ảnh hưởng. Trên thực tế, khác với mọi năm, dọc các con phố ở Hà Nội hiện nay vẫn đang đìu hiu do có nhiều chính sách ưu đãi.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số phố như Chùa Bộc (quận Đống Đa), Kim Mã (quận Ba Đình), Xuân Thủy, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) hay Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)... không khó để chúng ta bắt gặp các chương trình khuyến mại, siêu giảm giá, tiết kiệm 50%... trên hàng loạt các loại mặt hàng.
Ghi nhận cho thấy, để kích cầu người mua, nhiều cửa hàng bán lẻ hay bán hàng trên vỉa hè có băng rôn giảm giá 50%, ghi giá sau giảm nhưng so với giá trên thị trường vẫn tương đương, mà người mua khó mà kiểm soát chất lượng sản phẩm.
|
Người tiêu dùng cần tỉnh táo với những khuyến mại cuối năm (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn |
Chị Nguyễn Thị Hiền Lương một nhân viên bán hàng quần áo ở phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) chia sẻ, những năm trước đây càng về cuối năm lượng khách tấp nập, nhiều lúc hàng không kịp cho khách. Nhưng hai năm nay do ảnh hưởng của dịch nên hàng tồn khá nhiều. Để bán đi thì phải có những cách thức kích cầu người tiêu dùng.
Theo chị Lương, đa phần sản phẩm được áp dụng mức giảm giá 50-70% chủ yếu là hàng hóa mẫu mã cũ, lẻ số nên không phải tất cả mọi đối tượng khách hàng đều phù hợp, thậm chí có cửa hàng khuyến mại “ảo” bằng cách nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.
Thích một chiếc váy rất lâu, chị Hoài Thu (ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đã quyết định chờ đến ngày giảm giá để mua. Chị còn cẩn thận ghi lại giá niêm yết của sản phẩm để vào ngày “săn sale” mang ra so sánh. Nếu giá thực sự giảm, chị mới mua, còn nếu gian hàng “độn giá” sẽ tìm cửa hàng khác để tham khảo.
Chị Thu chia sẻ, vào “ngày đôi” 12/12, đã đặt mua chiếc váy đó với giá 690.000 đồng, được miễn phí vận chuyển. Bản thân đã rất vui vì nghĩ “săn” được hàng rẻ. “Qua hôm sau, trở lại gian hàng đó, vẫn chiếc váy đó, vẫn màu sắc đó, nhưng không phải ngày khuyến mại mà sản phẩm chỉ có giá 670.000 đồng và vẫn miễn phí vận chuyển, nghĩa là tôi đang mua phải giá đắt nhưng bản thân lại nghĩ là rẻ. Đây thực sự là một kinh nghiệm “săn sale” nhớ đời”, chị Thu kể lại.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng các chiêu trò để “móc túi” khách hàng, như: Lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.
Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí là hàng đã qua sử dụng vào bán cùng với hàng mới…
Giám sát việc giảm giá, khuyến mại
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60% đến 70% rồi giảm giá 30% đến 50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.
Nói với Lao Động, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương địa phương thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra doanh nghiệp có đăng ký chương trình khuyến mại, giảm giá với cơ quan quản lý hay chưa.
Ngoài ra, theo vị này, lực lượng quản lý thị trường kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại, qua đó để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ.
“Chúng ta phải làm một cách quyết liệt, đồng bộ thì mới có hiệu quả được”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại…