Cư dân ở thành phố Thượng Hải phải thử nhiều cách mới để mua được các vật dụng cần thiết hàng ngày trong thời gian thành phố phong tỏa vì COVID-19, các tỷ phú dường như cũng không phải là ngoại lệ.
Thành phố này đã liên tục lập kỷ lục về số ca mắc mới trong tuần qua trong bối cảnh 25 triệu cư dân của thành phố vẫn bị phong tỏa chặt chẽ khi các nhà chức trách cố gắng ngăn chặn dịch lây lan và tiến hành kiểm soát hàng loạt.
“Nữ hoàng đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc” Kathy Xu Xin (Nguồn: SCMP)
Cuối tuần qua, một bức ảnh chụp màn hình tin nhắn của Kathy Xu Xin, được mệnh danh là “Nữ hoàng đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc”, hỏi về cách mua bánh mì và sữa cho gia đình cô ấy đã lan truyền trên ứng dụng mạng xã hội WeChat.
Doanh nhân 55 tuổi, người được Forbes xếp hạng 71 trong danh sách Nhà đầu tư mạo hiểm tài năng nhất thế giới năm 2021, sống trong một khu biệt thự cao cấp ở quận Phố Đông của thành phố viết: “Có hàng xóm nào có thể giới thiệu cho tôi nhóm mua bánh mì được không? Gia đình tôi có rất nhiều người. Chúng ta cần bánh mì và sữa. Cảm ơn mọi người".
Chủ đề cuộc trò chuyện của họ đã tràn ngập những bình luận trêu đùa trên mạng xã hội. “Tôi đã nghĩ rằng chỉ có chúng tôi mới không có khả năng mua hàng. Tôi không ngờ rằng tỷ phú Xu Xin cũng cần tham gia các nhóm mua bánh mì”, một tài khoản tên Jackey viết trên WeChat.
“Ngay cả những tỷ phú cũng phải tranh giành thức ăn như những người còn lại trong chúng ta. Cuối cùng, có một vấn đề không thể giải quyết bằng tiền,” một người khác bình luận.
Tình thế khó khăn của Xu phản ánh tình trạng thiếu lương thực đang ảnh hưởng đến cả những người có thu nhập cao ở Thượng Hải, sau khi nhóm người dân thuộc tầng lập trung lưu cũng phải chật vật trong nhiều tuần qua.
Thượng Hải đang trải qua đợt bùng dịch tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ những ngày đầu ở Vũ Hán. Giới chức hiện đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, áp dụng xét nghiệm diện rộng và phong toả để kiểm soát những ổ dịch.
Giới chức Trung Quốc đã nỗ lực hỗ trợ người dân trong những ngày gần đây khi một số hộ gia đình nhận được trứng, sữa, rau và thịt. Tuy nhiên, những gói thực phẩm thiết yếu vẫn chưa đến tay người dân ở một số khu vực khác.
Khi các ứng dụng giao hàng cũng không thể bắt kịp số lượng đặt hàng tăng đột biến, người dân phải tìm đến những nhóm trò chuyện như WeChat để cùng đặt hàng, trong đó một khu dân cư điều phối việc mua và phân phối sản phẩm số lượng lớn.
Tham gia các nhóm mua chung thực phẩm là một trong số ít cách mà các gia đình ở Thượng Hải có thể nhận được đủ thực phẩm trong thời gian phong toả. Việc phụ thuộc vào những tin nhắn có tốc độ đến/đi nhanh khiến một số người dùng gặp khó khăn.