Ngày 12/4 vừa qua đây, Thuduc House nhận được Công văn số 2637/CTTPHCM-QLN ngày 31/3/2022 của Cục thuế TP.HCM về việc đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thực hiện biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của TDH.
Lý do bị cưỡng chế, theo Quyết định này, Thuduc House có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định; Thuduc House không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Quá khứ từng bê bối trốn thuế
Ngày 19/1/2022, Thuduc House nhận được các quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế với số tiền là hơn 111,4 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2020, Thuduc House nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị thu hồi số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2018 và 2019 với tổng là 396 tỷ đồng.
Khi đó, Cục Thuế TP.HCM áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính kỳ hoàn thuế GTGT thời kỳ thanh tra từ 2017-2018 và tháng 1-6/2019 đối với TDH như sau: Thu hồi thuế GTGT đã hoàn gần 332 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế do thu hồi thuế GTGT đã hoàn gần 65 tỷ đồng.
Đến ngày 1/3/2021, Cục thuế TP.HCM đã ban hành 22 quyết định cưỡng chế thuế TDH với số thuế và tiền chậm nộp lên 440 tỷ đồng, trong đó 365 tỷ đồng là tiền thuế và 75 tỷ đồng là tiền chậm nộp đến các ngân hàng.
Về phía TDH, Công ty không đồng ý với các quyết định trên và khởi kiện Cục thuế TP.HCM ra Tòa án Nhân dân TP.HCM đề nghị xem xét hủy bỏ các quyết định nói trên của Cục Thuế TP.HCM.
Ngoài ra, Công ty cũng đang trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác về các cáo buộc của Cục Thuế TP.HCM.
Lỗ thêm 365 tỷ đồng sau soát xét, bị xử phạt do "xào nấu" báo cáo tài chính
Việc bị truy thu thuế trở thành biến cố lớn nhất mà TDH gặp phải, hệ quả là Công ty chịu thua lỗ hơn 360 tỷ đồng trong năm 2020, song song đó là lỗ kỷ lục sau kiểm toán đến 890 tỷ đồng vào năm 2021.
Con số lỗ sau kiểm toán này chênh lệch đến 365 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó. Cụ thể, hoạt động tài chính đem về doanh thu 216 tỷ, tăng 33% so với báo cáo trước đó, do ghi nhận thêm lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư sau kiểm toán thực hiện đánh giá lại, đồng thời tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.
Trong năm 2021 Thuduc House phải ghi nhận thêm khoản chi phí vì bị truy thu thuế theo quyết định từ Cục thuế TP HCM và tiền phạt chậm nộp thuế,... bên cạnh các chi phí khác tăng do xử lý và trích lập dự phòng các khoản công nợ quá hạn.
Theo kiểm toán, số lỗ khác mà công ty phải ghi nhận sau kiểm toán là 690 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là lỗ 305 tỷ đồng.
BCTC kiểm toán năm 2021 giải trình, ngày 5/3/2021 công ty nhận được công văn từ Cơ quan cảnh sát điều tra, yêu cầu nộp số tiền hơn 365,5 tỷ đồng là tổng số thuế GTGT đã được hoàn trong các kỳ hoàn thuế từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019 vào tài khoản tạm giữ của Bộ Công An – Cơ quan cảnh sát điều tra theo quy định để phục vụ việc thu thập và xác minh các hồ sơ và tài liệu liên quan đến số thuế GTGT đã được hoàn nói trên của Tập đoàn.
Hiện Thuduc House đang trong quá trình làm việc với cơ quan Cảnh sát điều tra cũng như chờ quyết định cuối cùng của Tòa án liên quan đến số thuế GTGT được hoàn.
Những yếu tố trên dẫn đến, số liệu trên BCTC quý 4/2021 của công ty tự lập ghi nhận năm 2021 Thuduc House lỗ 525 tỷ đồng. Trong khi đó BCTC năm 2021 đã kiểm toán ghi nhận công ty lỗ đến 890 tỷ đồng, tương ứng điều chỉnh tăng khoản lỗ thêm 365 tỷ đồng so với số tự lập trước đó.
Đáng nói trong ngày 12/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt Thuduc House tổng số tiền 300 triệu đồng do đã có hành vi không công bố thông tin cũng như công bố thông tin sai lệch ở một số báo cáo.
Trong đó, Thuduc House đã có sự sai lệch lợi nhuận giữa BCTC riêng (hợp nhất) quý 4/2020 so với BCTC riêng (hợp nhất) 2020 đã kiểm toán và BCTC riêng (hợp nhất) bán niên 2021 so với BCTC riêng (hợp nhất) bán niên 2021 đã soát xét.
UBCKNN cho biết Công ty đã hạch toán sai số liệu dự phòng khó đòi, dự phòng chi phí đã phát sinh của dự án, dự phòng của khoản lỗ do chuyển nhượng cổ phiếu tại BCTC riêng (hợp nhất) quý 4/2020 và bán niên năm 2021.
Tại thời điểm 30/6/2021, TDH hạch toán khoản dự phòng khó đòi ngắn và dài hạn ở mức 334 tỷ đồng và không có thuyết minh cụ thể.
Một số doanh nghiệp nợ TDH tiêu biểu có CTCP Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức, Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức, CTCP Dệt may Liên Phương, Công ty TNHH Thương mại Epco, Công ty TNHH Quản lý và Phát triển Nhà quận 2,…
Khoản chi phí đã phát sinh của TDH từ dự án Khu dân cư Cần Giờ và dự án Khu dân cư Bình Trung Đông gần 928 tỷ đồng. TDH thuyết minh dự án Khu dân cư Cần Giờ được hợp tác với CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn với tỷ lệ góp vốn là 50% mỗi bên nhưng không thành lập pháp nhân mới.
Còn dự án Khu dân cư Bình Trung Đông do Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư cùng với 14 đơn vị khác tham gia trong đó TDH, Công ty sẽ đóng góp kinh phí để đầu tư và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính khi dân cư Bình Trưng Đông và sẽ được quyền sử dụng hạ tầng nội bộ của dự án thành phần và khai thác diện tích đất tương đương 5ha.
Về khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, TDH ghi nhận giá trị tại thời điểm bán niên 2021 ở mức gần 30 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm gần 22,6 tỷ đồng ở PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương, bên cạnh đó là 7 tỷ đồng ở CTCP Xây dựng số 5.
(Còn tiếp)