Ngày 5/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM cho biết đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả”; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Văn Khiến (Giám đốc Công ty TNHH dầu nhớt Văn Thành, trụ sở tại huyện Hóc Môn), Lã Văn Hải và Nguyễn Văn Đức để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Các Quyết định được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
|
Xưởng sản xuất nhớt giả của Công ty TNHH dầu nhớt Văn Thành. Ảnh: Công an TP.HCM |
Trước đó, vào chiều 25/11, các trinh sát thuộc Đội 7 – Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu, Công an TP.HCM bắt quả tang Lã Văn Hải điều khiển xe ô tô tải chở số lượng lớn dầu nhớt một số nhãn hiệu nổi tiếng nghi là hàng giả. Hải khai chở thuê số hàng này cho Đỗ Văn Khiến. Đồng loạt khám xét các địa chỉ tại quận Bình Tân, Quận 12, huyện Hóc Môn, Cơ quan điều tra thu giữ thêm số lượng lớn dầu nhớt giả thành phẩm các loại, nhớt nguyên liệu và máy móc, trang thiết bị dùng để sản xuất nhớt giả.
Làm việc với cơ quan Công an, Đỗ Văn Khiến thừa nhận Công ty Văn Thành được thành lập năm 2017 để kinh doanh dầu nhớt chính hãng. Tuy nhiên, do công việc kinh doanh không thuận lợi, khoảng đầu năm 2018, Khiến tổ chức sản xuất, buôn bán nhớt giả nhãn hiệu các loại tại căn nhà thuê ở huyện Hóc Môn.
Đầu năm 2019, Khiến quen biết một người phụ nữ cũng sản xuất, buôn bán nhớt giả tại kho hàng ở địa chỉ 15 Nguyễn Thị Đặng, phường Hiệp Thành, Quận 12 nên đề nghị làm chung và sử dụng một phần diện tích kho để sản xuất, buôn bán nhớt giả. Khiến mua dầu nhớt nguyên liệu với giá 850.000 đồng/thùng phi loại 200 lít và các thùng, xô, can, chai tem mác, bồn chứa, máy móc. Sau đó, Khiến cho bơm nhớt từ thùng phi lên bồn chứa rồi chiết ra chai đóng thành phẩm. Số dầu nhớt giả này được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Hiện Công an đang mở rộng điều tra vụ án.
Liên quan đến việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu nhớt (dầu nhờn), thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) cũng phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ, ngành khác tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, phân phối và đặc biệt là các trường hợp nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong.
Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2020, Tổng cục TCĐLCL (cụ thể là Cục QLCL sản phẩm hàng hóa) đã thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng tổng số 1092 lô dầu nhờn động cơ nhập khẩu, phát hiện 40 lô không đạt chất lượng theo QCVN (khối lượng 127.000 lít), xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng. Một số ví dụ về trường hợp bị xử lý: cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với lô dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không đạt chất lượng của Công ty TNHH Thế giới ĐP, xử phạt Công ty này 180 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Cục QLCL sản phẩm hàng hoá cũng phối hợp với Công an TP. HCM kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ Dầu nhớt và Phụ tùng ĐK phát hiện dầu nhờn nhập khẩu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Công ty này đã bán ra thị trường hơn 12.300 lít. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty thu hồi số lượng dầu nhờn trên và lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Tổng cục TCĐLCL ra quyết định xử phạt 357 triệu đồng.
Theo một vị đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã “lật tẩy” hàng loạt chiêu trò tinh vi của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối dầu nhờn không đạt chuẩn.
Trong đó, vi phạm ở việc một số chỉ số không đáp ứng quy định trong QCVN 14:2018/BKHCN. Cụ thể, theo xác minh, hiện có một số đối tượng nhập khẩu sản phẩm dầu tái chế, thậm chí là dầu thải từ nước ngoài (chủ yếu là Thái Lan) về. Sau đó, các đối tượng tiến hành pha trộn giữa dầu nhờn đã qua tái chế, dầu thải với các sản phẩm chính hãng, chất lượng để tạo ra một sản phẩm dầu nhờn mới bán ra thị trường.
Một trong những mánh khóe tinh vi khác là việc không ghi nhãn phụ tiếng Việt hoặc ghi thiếu thông tin nhà sản xuất lên bao bì sản phẩm dầu nhờn nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, khi sử dụng, người tiêu dùng khó nhận biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dầu nhờn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý sai phạm của cơ quan chức năng đối với các trường hợp có vi phạm cũng trở nên khó khăn hơn.
“Trước khi QCVN 14:2018/BKHCN có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dầu nhờn công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, nhập khẩu. Chất lượng dầu nhờn do doanh nghiệp công bố áp dụng, nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau do nguồn cung. Kể từ sau khi có QCVN 14:2018/BKHCN đã thống nhất quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, giao trách nhiệm cho cơ quan chứng nhận, trách nhiệm cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước”, vị đại diện Vụ Pháp chế-Thanh tra cho hay.
Vị này cho biết thêm, tính từ tháng 11/2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý trên 10 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất dầu nhờn không phù hợp quy chuẩn. Tổng số tiền xử phạt vi phạm, nộp ngân sách nhà nước là hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phải tái xuất, tiêu hủy hoặc tái chế các sản phẩm không phù hợp.