Cơn sốt hàng hiệu
Những gì mà Zara Vietnam thể hiện tại cửa hàng đầu tiên của mình ở Vincom sau 1 năm đã chứng tỏ sức hút đáng kinh ngạc của trường phái kinh doanh fast - fashion (thời trang nhanh - thời trang mỳ ăn liền). Bước đột phá đầy ấn tượng của thị trường xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén, và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Cách đây khoảng 4-5 năm, các khảo sát từ nhiều đơn vị uy tín quốc tế đã nhận định rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cần 1 thập kỉ để phát triển. Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia đã thật sự bất ngờ với những gì họ đang chứng kiến về thị trường thời trang Việt Nam.
|
Người Việt rất ưa chuộng hàng ngoại. |
Theo đánh giá của ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ, Savills TP.HCM, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang cộng hay trừ. “Thời trang nhanh” với đặc trưng nổi bật là giá cả hợp lý hiện đang là ngành hàng phát triển mạnh nhất.
Doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng Sau Zara, các “anh em” nhà Inditex như Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti cũng lần lượt thâm nhập thị trường Việt Nam, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng đầy tiềm năng.
Đối với H&M, Việt Nam là quốc gia thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan mà thương hiệu này có mặt, và không ít người tiêu dùng cũng trông đợi, rằng H&M có “làm nên chuyện”?
Doanh thu vượt bậc từ các đàn anh đi trước tại thị trường Việt Nam đang là động lực mạnh mẽ cho các nhà mốt khác như Uniqlo, Forever21,... thâm nhập thị trường trong thời gian tới.
Chiến lược bán hàng riêng
Các doanh nghiệp bán lẻ hoạt động tại Việt Nam đang nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng.
Để lấy lòng người tiêu dùng trong nước và cạnh tranh với hàng xách tay, đơn vị quản lý Zara tại Indonesia cũng áp dụng một chính sách giá đặc biệt, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,... từ 15-20%, với những mã hàng chọn lọc. Đối với hãng, phương châm làm nên chiến lược định giá là khảo sát mức tiêu thụ, thu nhập của từng thị trường và định giá sản phẩm dựa trên mức tiền mà khách sẵn sàng bỏ ra.
Chính sách giá “phải chăng” để thu hút số lượng lớn người mua đã được H&M áp dụng trên hơn 3.000 cửa hàng tại hơn 53 quốc gia. Hệ thống các nhà cung cấp và đối tác rộng khắp cho phép thương hiệu này sở hữu mức giá phải chăng và không có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường.
Giá thành của H&M cũng được dự đoán sẽ thấp hơn Zara, và mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất cũng thể hiện trong tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000-3.000m2 của hãng.
Không chỉ ở giá, mẫu mã các nhãn hàng cũng liên tục thay đổi. Việc bắt tay với các nhà thiết kế danh tiếng như Karl Lagerfeld hay Balmain đã đem đến một vị thế mới cho nhà mốt Thụy Điển, trong mặt bằng “thời trang nhanh” đại chúng.
Các nhà bán lẻ nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nhìn một cách tổng quát, thị trường bán lẻ đã có sự mở cửa nhưng cánh cửa này vẫn chưa thật sự đủ rộng rãi, để nhằm mục tiêu bảo vệ các nhà bán lẻ nội địạ.
Theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Nghe có vẻ khá khiêm tốn nhưng trên thực tế, con số này được ước lượng cao hơn.
Nếu làm một phép so sánh DN Việt Nam và nước ngoài, sẽ thấy có rất nhiều sự khác biệt. Đặc điểm của các DN ngoại là sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn, trong khi đó, DN Việt Nam được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng vì thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng.
Thế nhưng, ở sân chơi quốc tế thì sự linh hoạt này không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trương mới ở các tỉnh. Nếu muốn phát triển bền vững, các DN Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này.
Trong khi DN trong nước đang loay hoay tìm lối đi, nguồn vốn... thì DN nước ngoài lại bỏ qua bớt các bước này mà nhắm tới thị phần - điều tưởng chừng như khá “xa xỉ” đối với DN trong nước.
Một thực tế nữa các DN bán lẻ VN vẫn làm công việc thương mại là chính - bao gồm 2 giai đoạn: xây dựng thương hiệu và bán. Lý do của tình trạng này không phải vì DN Việt Nam không muốn tiếp tục phát triển và xây dựng bền vững, mà chủ yếu là bởi quy mô càng lớn thì khả năng vượt ra khỏi tầm kiểm soát càng cao.
Khi không thể vượt qua giai đoạn bão hòa và đi xuống, những người đứng đầu DN nội thường dễ đi đến quyết định chuyển nhượng và tìm cơ hội khác.