Bộ Y tế Campuchia ngày 27/7 thông báo, Cơ quan Hải quan nước này đã thu giữ 3 container thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ sau khi phát hiện lô hàng này có virus SARS-CoV-2.
Theo thông báo đăng trên truyền thông Campuchia cùng ngày, các mẫu thịt đông lạnh trên đã được Viện Pasteur Campuchia mang đi xét nghiệm và kết quả cho thấy có virus trong mẫu thử. Theo tờ Khmer Times, lô thịt trâu này sẽ bị tiêu hủy ở quận Oral, Kampong Speu.
Liên quan thông tin nói trên, trả lời trên Dân trí, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Về việc kiểm soát nói trên, Bộ Y tế giao cho các địa phương và các bộ, ngành liên quan thực hiện. Với Bộ NN&PTNT, cơ quan kiểm soát mặt hàng thịt đông lạnh là Cục Thú y.
"Thông tin tôi nắm được, theo yêu cầu của Bộ Y tế, Cục Thú y đã đi lấy mẫu các mặt hàng thịt đông lạnh để xét nghiệm thì chưa phát hiện mẫu nào có virus SARS-CoV-2", ông Tiệp cho biết.
Tuy nhiên, trước thông tin thịt trâu đông lạnh Ấn Độ có virus SARS-CoV-2 ở Campuchia, nhiều người tiêu dùng Việt đang cảm thấy lo ngại về độ an toàn của mặt hàng này trên thị trường Việt Nam.
|
Giá thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ được niêm yết chi tiết. (Ảnh chụp màn hình) |
Khảo sát của PV cho thấy, trên nhiều “chợ mạng” mặt hàng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ được chào bán khá phổ biến. Chỉ cần người dùng gõ từ khóa “thịt trâu đông lạnh Ấn Độ” trên Google thì chỉ trong vòng 0,38 giây đã cho ra 409.000 kết quả.
Trong khi đó, tại một số wesite như: https://thucphamvietnam.com.vn/, https://thucphamhuunghi.com/, https://phucdatfood.com/... niêm yết khá chi tiết giá thịt trâu đông lạnh Ấn Độ năm 2021. Cụ thể: Thịt nạc mông giao động giá từ 109.000 đồng - 125.000 đồng/1kg; thịt nạm sườn từ 88.000 đồng - 113.000 đồng/1kg; đùi gọ 113.000 đồng/1kg; nạc vai 96.000 đồng - 108.000 đồng/1kg; đuôi giá 152.000 đồng - 169.000 đồng/1kg…
Để thu hút khách mua, nhiều website mua bán mặt hàng thịt trâu đông lạnh Ấn Độ còn tung các chương trình ưu đãi, giảm giá cho khách hàng. Những kênh mua bán này hầu hết đều khẳng định, độ tươi ngon của thịt, đảm bảo thịt sạch, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó là việc đảm bảo giấy tờ đầy đủ, hợp pháp.
Đầu năm 2021, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã có văn bản gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Nam Bộ; Các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng... về thông báo hướng dẫn phòng chống SARS-CoV-2 đối với thực phẩm đông lạnh xuất sang Trung Quốc.
Về khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tâm lý e ngại tiêu thụ nông sản của người dân vùng dịch, trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, căn cứ khoa học và thực tiễn thì chưa có một công bố nào nói Covid-19 trên vỏ bao bì hàng hóa, trên nông sản lây sang người. Đây là căn cứ khoa học và thực tiễn rất quan trọng.
"Đến nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có công bố virus SARS-CoV-2 lây từ bao bì sang người, đây là căn cứ để chúng ta yên tâm vận chuyển và tiêu thụ nông sản", ông Tiến nói.