So sánh biểu lãi suất của 30 ngân hàng thương mại trong nước đầu tháng 3/2020 cho thấy, lãi suất tiết kiệm của kỳ hạn dưới 6 tháng đang được các ngân hàng niêm yết phổ biến ở mức 5%/năm, được giữ tương đối ổn định so với các tháng trước. Mức này cũng bằng trần lãi suất ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm của kỳ hạn dưới 6 tháng ở nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) và một số ngân hàng thương mại được niêm yết thấp hơn từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm các kì hạn từ 1-2 tháng tại 4 ngân hàng lớn hiện là 4,3%/năm, còn kì hạn 3-5 tháng có mức lãi suất tiết kiệm là 4,8%/năm. Một số ngân hàng thương mại lại áp dụng mức lãi 4,8-4,95% cho kỳ hạn 3 tháng như An Bình (ABBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cùng áp dụng mức lãi suất 4,8%; Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cùng đưa mức lãi suất 4,9%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 4,85%; còn Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) là 4,95%.
|
Nên chọn ngân hàng nào lãi suất cao nhất trong tháng 3 để gửi tiết kiệm? |
Trong đó, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay là 7,6%/năm, được áp dụng tại Ngân hàng Quốc dân (NCB). Bám đuổi sát nút trong bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng là Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) với mức 7,55%/năm. Thấp hơn một chút là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với mức lãi suất 7,5%/năm.
Ở mức lãi suất từ 7-7,2% cho kỳ hạn gửi tiết kiệm 6 tháng có một số ngân hàng như: Viet Capital Bank với mức 7,2%, ở Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là 7,1%.
Các ngân hàng như: ABBank, Ngân hàng Đông Á (DongAbank) và Techcombank cùng áp dụng mức lãi suất 7% cho kỳ hạn 6 tháng.
Ở mức lãi suất từ 5,3-6,9% cho kỳ hạn gửi tiết kiệm 6 tháng có một số ngân hàng như: SHB (6,9%), ACB (6,3-6,6%), MB (6,4%), MSB (6,5-6,8%), LienVietpostbank (6,1%), TPbank (6,4%), Techcombank (6,9%), Seabank (5,8%).
Như thường lệ, các ngân hàng thương mại có tỷ lệ vốn của Nhà nước lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn có lãi suất huy động thấp nhất tại kỳ hạn 6 tháng, đều ở mức 5,3%/năm.
Như vậy, chênh lệch lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng tại khối ngân hàng thương mại cổ phần và 4 "ông lớn" quốc doanh lên tới 2,3 điểm %/năm.
Trong khi đó, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về Ngân hàng Quốc dân (NCB) với mức lãi suất huy động lên tới 8,1%/năm, tăng 0,1 điểm phần trăm so với mức lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn này trong tháng 2/2020. Các ngân hàng có mức lãi suất cao sát nút cho kỳ hạn 12 tháng là Vietbank, Vietcapital bank, PVCombank (cùng ở mức 7,9%). Cùng ở mức 7,8% cho kỳ hạn 12 tháng là ABbank và Bac A Bank.
Ở mức 6,8-7,7% cho kỳ hạn 12 tháng có khá nhiều ngân hàng như: SCB (7,5%), Eximbank (7,4%), KienLongbank (7,6%), VPBank (7,3%), Sacombank (6,9%), SHB (7,1%), ACB (6,8-7,1%), MB (7,4%), DongA Bank (7,4%), MSB (6,7-7,1%), LienVietpostbank (6,8%), TPbank (7,2%), Techcombank (7%), VietABank (7,6%), Seabank (6,8%)
Nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước lớn cùng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 12 tháng là 6,8%.
Với kỳ hạn 13 tháng trở lên, SCB huy động theo cùng mức lãi suất 7,7% cho kì hạn gửi 13 tháng, 15 tháng và 18 tháng. SHB áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng là 7,1 %/năm; kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng là 7,3%; các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên đang được ngân hàng áp dụng mức lãi suất là 7,4%.
Bac A Bank đưa ra mức lãi suất 7,9% khi gửi tiền ở các kì hạn dài từ 13 đến 36 tháng. Ngân hàng Sacombank trong tháng 3/2020 đưa ra mức lãi suất huy động cho kì hạn 15 tháng là 7,05 %, 18 tháng là 7,2 %, 24 tháng là 7,3 % và 36 tháng là 7,4 %. Còn TPBank đưa ra mức lãi suất cho kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng là 7,5%/năm.
Nam A bank áp dụng mức lãi suất 8,45% cho kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng là 7,6%, còn kỳ hạn 24 tháng là 8,6%.
Trong khi đó, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng đang được ngân hàng BIDV áp dụng mức lãi suất 6,8 %/năm. Mức 6,8% cũng được 4 "ông lớn" ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với các khoản tiền gửi có kì hạn từ 12 tháng trở lên.
Với hình thức trực tuyến (online), mức lãi suất niêm yết tại các ngân hàng ở nhiều kỳ hạn thường cao hơn biểu niêm yết tại quầy khoảng 0,1 điểm phần trăm.
Trong dịp 8/3, Ngân hàng TCMP An Bình (ABBANK) có chương trình “Tiền gửi online – Cộng ngay lãi suất”, cộng thêm 0,1% so với lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Theo đó, từ ngày 7/3 đến 7/9/2020, dành cho các sản phẩm tiền gửi bằng VNĐ qua kênh trực tuyến tại ABBANK, bao gồm cả ABBANK mobile và Internet Banking. Ưu đãi cộng thêm 0,1% lãi suất sẽ áp dụng ngay trên các khoản tiền gửi có giá trị chỉ từ
500.000 VNĐ trở lên với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Bên cạnh sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm huy động khác như chứng chỉ tiền gửi (với lãi suất lên tới trên 9%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên).
Nhìn chung, lãi suất huy động cho các kỳ hạn của nhiều ngân hàng thương mại trong tháng 3 này vẫn duy trì ở mức cao. Đây vẫn là một kênh đầu tư an toàn, giúp nhiều người có tiền nhàn rỗi được hưởng lợi lớn.