Thông tin về dự án khu đô thị mới Dương Nội, Phùng Khoang, Thạch Phúc, Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường được chủ đầu tư “ôm đất ngủ quên” suốt hàng chục năm tiếp tục dấy lên “làn sóng” bức xúc, tiếc nuối trong dư luận.
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, hầu hết nhiều phần diện tích đất tại các dự án trên đến thời điểm này vẫn chỉ bỏ hoang, hoa cỏ dại mọc um tùm. Nhiều căn biệt thự, nhà liền kề trong dự án mới xây xong phần thô rồi bỏ không, nhếch nhác, rác thải chất bừa bãi bốc mùi hôi thối, nước mưa tù đọng lâu ngày đổi màu xanh lè. Thậm chí, Tập đoàn Nam Cường còn “xẻ thịt” đất dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp.
|
Dự án khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, dự án khu đô thị Dương Nội rộng gần 200ha. Đây là phần đất đối ứng được tỉnh Hà Tây (cũ) nay là TP Hà Nội trả cho Tập đoàn Nam Cường thực hiện dự án tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT.
Theo kế hoạch, dự án khu đô thị Dương Nội sẽ hoàn thiện toàn bộ trong năm 2015, nhưng đến nay, Nam Cường mới chỉ triển khai được một phần.
Đối với dự án khu đô thị mới Phùng Khoang, Tập đoàn Nam Cường có được phần diện tích đất 46,1ha, tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) là do liên danh với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội tham gia đầu tư dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT năm 2009...
|
Nhiều phần diện tích đất trong khu đô thị Dương Nội vẫn bị bỏ hoang. |
|
Đi sâu vào bên trong, khu đô thị Dương Nội các hạng mục được xây dựng như "nửa phố, nửa quê". |
Phân tích dưới góc độ pháp lý xoay quanh các quỹ đất tại những dự án trên mà Tập đoàn Nam Cường đang “ôm đất ngủ quên”, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP thì: “Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.”
“Dự án khác ở đây chính là dự án đối ứng của dự án BT được giao cho nhà đầu tư để thực hiện việc đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật”, luật sư Hòe nói.
Luật sư Hòe phân tích: Căn cứ theo Điều 34 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, có hai phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BT là Sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và nhượng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành.
Trước hết, nhà đầu tư theo hợp đồng BT phải tuân thủ theo những thỏa thuận trong nội dụng của hợp đồng BT trong đó có quy định về việc sử dụng đất và các công trình có liên quan.
Nhà đầu tư khi thực hiện dự án khác (dự án đối ứng với của dự án BT được giao) cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt những thỏa thuận đã nêu trong hợp đồng BT và những quy định của pháp luật khác có liên quan, cụ thể: Điều 53 nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định Quản lý và kinh doanh công trình dự án: “1. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện việc quản lý, kinh doanh công trình dự án hoặc thực hiện Dự án khác theo thỏa thuận trong hợp đồng dự án.”
Ngoài ra, Khoản 4 Điều 10 Nghị định 63/2018 quy định: “Đối với hợp đồng BT, nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án khác.”
Điều 4 nghị quyết 160/NQ-CP về quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định:
“Điều 4. Yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và Nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trường hợp, phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy Hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo quy định trên thì nhà đầu tư các dự án BT phải chịu trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng BT đã ký và đảm bảo các quy định khác có liên quan trong khi thực hiện các dự án khác. Nếu phát hiện vi phạm sẽ bị điều chỉnh hoặc hủy hợp đồng BT.
Trở lại trường hợp của Tập đoàn Nam Cường, không thể thực hiện thu hồi đất (theo luật đầu tư) do đây là kết quả đầu tư của đơn vị này ở dự án theo hợp đồng đối tác công tư và đã được UBND thành phố Hà Nội bàn giao quỹ đất để trả công cho họ. Tuy nhiên, theo luật đất đai thì cơ quan Nhà nước có quyền thực hiện, thanh tra kiểm tra, đánh giá và xử lý đối với những hành vi vi phạm về việc sử dụng đất của Tập đoàn Nam Cường (nếu có).
“Trong trường hợp, nếu vi phạm một trong những quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật đất đai 2003 (Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013) thì đất mới bị thu hồi”, vị luật sư thông tin.
Luật sư Hòe cũng kiến nghị: Trước thực trạng hàng loạt đất dự án của tập đoàn Nam Cường bị bỏ hoang thì hoàn toàn có căn cứ để xử lý về hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của Tập đoàn này.
“Thiết nghĩ UBND TP Hà Nội cần có những chỉ đạo quyết liệt, lập đoàn thanh tra để tiến hành kiểm tra rà soát xử lý nghiêm sai phạm của toàn bộ các dự án không chỉ của Tập đoàn Nam Cường mà còn nhiều dự án khác cũng tương tự để xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch treo như hiện nay”, luật sư Hòe nhấn mạnh.