Chỉ cần đầu tư khoảng 2 triệu đồng là đã có bộ lưới và các dụng cụ khác đủ để bẫy chim trời. Hàng chục mét lưới có kích cỡ mắt nhỏ đã được giăng sẵn. Người bẫy chỉ việc buộc những lon bia đã được cho sẵn một ít đinh sắt vào trong để làm chuông báo hiệu khi chim dính lưới, bật loa đã được thu tiếng chim để làm chim mồi rồi ngồi chờ chim dính lưới.
|
Trên các cánh đồng thuộc phường Hải Hòa, dễ dàng bắt gặp những tấm lưới giăng bẫy chim. |
Anh T. - Một thợ bẫy chim cho biết: "Chịu khó 1, 2 đêm, nếu gặp may thì không những đã đủ vốn mà lại có lãi". Anh này biểu diễn kỹ thuật đánh chim ngói cho chúng tôi xem. Chỉ cần 2 tấm lưới dài chừng 6 mét, rộng 3 mét một cánh; 4 cây sào, dây kéo sào; 6-7 con chim ngói đã được khâu mắt lại bằng chỉ; một chòi trú ẩn được ngụy trang bằng cành, lá cây là đủ để đánh chim ngói. Những chú chim ngói mồi đã bị khâu mắt lại, đứng trong bẫy sập, mỗi khi nhận thấy có đàn chim ngói bay qua, thợ bẫy chim tung một con chim mồi đã được buộc chân vào dây kéo lên rồi lại giật nhanh chim mồi xuống. Cứ như vậy, những chú chim ngói đang di cư lao xuống và mắc bẫy lại.
|
Những tấm "mạng nhện" khổng lồ được giăng mắc trên các cánh đồng phường Trà Cổ. |
Nhiều năm làm nghề đánh chim trời, với kiểu đánh này có khi T. bắt được cả đàn chim ngói hơn 100 con, rồi giao bán số chim này cho các nhà hàng với giá bình quân từ 40-60 nghìn đồng một con; riêng chim ngói giá từ 80-100 nghìn đồng/con, chim loại ngon thì được gom bán sang Trung Quốc, thu lời lớn.
|
Dọc tuyến đê biển Bình Ngọc là nơi có nhiều chim hoang dã, dễ dính bẫy thợ săn. |
Mùa chim di cư từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, thợ săn chim đánh dưới đồng phía biển. Vụ chiêm thì dân bẫy chim đánh trên núi, trong rừng.
Mặc dù lực lượng chức năng TP. Móng Cái đã tổ chức nhiều đợt xuống địa bàn tháo dỡ, tịch thu các dụng cụ bẫy chim, nhưng theo phản ánh, chỉ được vài hôm thì các tấm "mạng nhện" lại được giăng trở lại.
Tìm hiểu được biết, mỗi ngày các quán nhậu ở Móng Cái làm thịt hàng ngàn con chim trời. Không chỉ bắt các loại chim di trú vào mùa mưa, trong những năm gần đây, người dân còn kéo nhau đi bắt chim sẻ để bán cho các quán nhậu khiến loài này bị tụt giảm mạnh về số lượng, nhiều loài như như sâm cầm, xít...đang có nguy cơ bị tận diệt.
Để xảy ra tình trạng chim trời bị tàn sát là do sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các cơ quan chức năng. “Nếu kiểm lâm, cảnh sát môi trường thường xuyên kiểm tra, xử lý thì các loài chim trời không bị săn bắt, giết hại nhiều như vậy” - một người dân địa phương khẳng định.