Tại TP HCM những ngày gần đây, nhiều xe đẩy bán trứng gia cầm với giá rất thấp, chỉ 15.000-20.000 đồng/chục. Các chợ, siêu thị cũng bán trứng giá rẻ hơn trước Tết khá nhiều. Tại một điểm bán trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), trứng gà được đóng hộp 10 quả chất đống trên xe thu hút khá đông người mua.
Đua nhau giảm giá trứng
Một điểm khác trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) bán trứng gà Bến Tre có giá chỉ 17.000 đồng/chục, trứng vịt đồng 25.000 đồng/chục nhưng vắng khách mua. Hệ thống cửa hàng San Hà bán trứng gà có thương hiệu cũng chỉ 20.000 đồng/chục, giảm 10.000 đồng so với giá niêm yết.
Theo ông Vương Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Vương Huỳnh (chăn nuôi gà đẻ trứng tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), trước Tết khoảng một tháng trứng gà có giá 1.900 đồng/trứng nhưng sau đó giảm dần còn 1.300-1.500 đồng và hiện tại vẫn chưa tăng trở lại.
Nguyên nhân giá trứng gia cầm liên tục giảm từ trước Tết chủ yếu do các cơ sở sản xuất bánh không làm từ trứng tươi mà chuyển sang dùng bột trứng, công nhân nghỉ Tết sớm cộng học sinh nghỉ học dài ngày dẫn tới lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể. "Nguồn trứng còn tồn từ trước Tết đến nay vẫn chưa thể tiêu thụ hết nên cần 1-2 tuần nữa. Hy vọng hết tháng này giá trứng sẽ phục hồi trở lại" - ông Dũng nói.
Theo các trại nuôi gà đẻ ở phía Nam, với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đang bị lỗ khoảng 200 đồng/quả.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho hay thị trường trứng gia cầm sau Tết rất dồi dào, một trong những lý do khiến giá trứng giảm là do các lò bánh chưa hoạt động lại. Riêng kênh tiêu thụ ở các chợ đã bắt đầu nhích lên.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cho biết tháng giêng tiêu thụ trứng gia cầm thường rất thấp nên V.Food đang tăng cường mảng chế biến (trứng kho, trứng tiềm…). Nhà máy chế biến phải làm thêm cả buổi tối, sản xuất 100% công suất để tận dụng thời điểm nguyên liệu dồi, giá rẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng với các loại trứng gà giá rẻ bán rong trên thị trường, vì rất dễ gặp trứng tồn trước Tết, đã hỏng hoặc sắp hỏng. Thực tế, đã có người tiêu dùng phản ánh trứng bán rong có tỉ lệ hỏng cao, nhiều trứng đã lẫn lòng trắng với tròng đỏ rất khó để nấu ăn.
Trứng gia cầm đóng hộp được bán với giá rẻ. Ảnh: NGỌC ÁNH
Thịt gà, heo cùng rẻ
Không chỉ các mặt hàng trứng gia cầm ế ẩm mà tiêu thụ thịt heo cũng khá chậm. Hiện giá heo hơi có nhích lên so với trước Tết nhưng vẫn chưa thể vượt 60.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét giá heo hơi tăng nhẹ nhưng sức mua vẫn còn chậm; tiêu thụ thịt heo đang giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP HCM), lượng thịt heo về chợ ngày 20-2 đạt 337 tấn (khoảng 4.500 con), chưa bằng mức bình quân lượng heo về chợ năm 2023 là 5.700 con. Tuy nhiên, so với ngày đầu tiên đi làm sau Tết (ngày 15-2) là 2.180 con thì sản lượng heo về chợ đang hồi phục. Giá heo mảnh tại chợ hiện ở mức 77.000 đồng/kg (loại 1) và 70.000 đồng/kg (loại 2).
Với mặt hàng thịt gà, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, nhận xét tình hình tiêu thụ đang rất tệ do rơi vào tháng ăn chay (tháng giêng âm lịch), một phần do công nhân vẫn chưa đi làm đầy đủ. Điều này khiến giá gà công nghiệp tại chuồng vẫn duy trì ở mức thấp, dao động từ 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 30.000-33.000 đồng/kg, tức người chăn nuôi đang lỗ từ 4.000-5.000 đồng/kg. Đáng nói là người chăn nuôi gà hiện nay đã chủ động giảm đàn khoảng 50% so với trước vì thua lỗ kéo dài nhưng vẫn không thể đẩy giá lên được.
Theo ông Ngọc, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thịt gà và nội tạng giá rẻ nhập khẩu số lượng lớn đã tác động mạnh đến chăn nuôi trong nước.
Sôi động thị trường đồ chay
Trái ngược với các sản phẩm chăn nuôi, thị trường thực phẩm chay đang sôi động bởi tháng giêng là thời gian nhu cầu ăn chay của người dân tăng cao nhất nhì trong năm, tương đương với tháng 7 âm lịch. Các loại nấm, đậu hũ, rau củ trên thị trường được tiêu thụ mạnh. Ông Trần Công Phương Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sài Gòn Chay (TP HCM), cho biết sản lượng của công ty đang tăng 2, 3 lần so với bình thường do các siêu thị, cửa hàng đặt hàng nhiều. Ngoài ra, các đoàn khách đi hành hương, từ thiện cũng mua hàng với số lượng lớn. Trong đó, món cơm chay hạt sen được tiêu thụ mạnh nhất do tiện lợi khi sử dụng.
Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tung chương trình khuyến mãi với hàng loạt sản phẩm chay từ gia vị (hạt nêm, nước tương, chao), thực phẩm chế biến (khổ qua nhồi thịt chay, bún riêu chay, chả giò chay, tàu hũ ky xào sả, sườn non chay...).
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại