Trong báo cáo gửi các Bộ, ngành và Chính phủ mới đây, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, nơi có trữ lượng sắt lớn nhất Đông Nam Á.
Tìm hiểu của phóng viên, TKV có trụ sở chính tại số 226 phố Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. TKV có Trung tâm điều hành sản xuất tại 95A Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và ở một số địa phương có lực lượng sản xuất tập trung (Tây Nguyên và các khu vực khác) và có Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
TKV là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.
|
Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam muốn tái khởi động mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. |
Về tình hình kinh doanh, được biết, năm 2021 TKV đã hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu 4% với tăng trưởng lợi nhuận 16% so với kế hoạch.
Cụ thể, năm 2021 doanh thu TKV ước đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 19 nghìn tỷ đồng bằng 106% kế hoạch.
Lợi nhuận dự kiến đạt 3,5 nghìn tỷ đồng đạt 116% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, doanh thu than đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm. Than sạch sản xuất đạt trên 40 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với kế hoạch, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2020.
TKV đã khai thác 40,2 triệu tấn than, tăng 7% so với năm 2020. Tiêu thụ gần 45 triệu tấn, tăng 6%; trong đó, tiêu thụ trong nước đạt gần 43 triệu tấn, tăng 4% và xuất khẩu 1,7 triệu tấn than, tăng 192%. Tổng lượng than tồn là 8,3 triệu tấn.
Tập đoàn cũng đã sản xuất 1,43 triệu tấn alumin và tiêu thụ 1,45 triệu tấn; khai thác 99,6 nghìn tấn tinh quặc đồng; sản xuất 10,5 tỷ kWh điện, đạt 105% kế hoạch năm. Lương bình quân đạt 12,97 triệu đồng/người/tháng. Riêng lao động sản xuất than đạt 13,79 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, TKV đặt mục tiêu đạt sản lượng than nguyên khai 39,1 triệu tấn; than tiêu thụ 43 triệu tấn; bóc đất đá 167.100 triệu m3…
Doanh thu ước tính đạt 131,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2021. Nộp ngân sách 18,1 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận toàn tập đoàn 3,5 nghìn tỷ đồng. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn cũng cao hơn năm 2021, đạt 13,6 triệu đồng/ng/tháng, trong đó lao động sản xuất than 14,2 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối) để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê).
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.
Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ.
Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.
Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ đồng.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Đến nay, tổng diện tích dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1ha, trong đó 741,3ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.
Sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số Bộ ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng dự án Sắt Thạch Khê.