Gõ cụm từ "vay tiền qua app" hoặc "vay online" sẽ có gần 100 ứng dụng cho vay trực tuyến được hiện ra. So với năm 2019, số lượng các app hiển thị đã giảm gần một nửa.
Chị Thúy - người đã nhiều lần vay tiền qua ứng dụng trực tuyến cho biết, nhiều app trên các ứng dụng có mối quan hệ với nhau, bán thông tin khách hàng cho nhau.
"Các app này dường như cùng một công ty, vì em đã nhiều lần vay tiền và chuyển khoản. Họ đưa ra một tài khoản như nhau để người vay chuyển tiền vào tài khoản công ty đó", chị Nguyễn Thị Thúy - người vay tiền online nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, nhiều ứng dụng cho vay đã đổi tên để lẩn tránh sự tấn công của lực lượng công an.
Ví dụ ứng dụng UVay đổi thành EVay; Xe tiền nhanh thành Ví vay nhanh. Hoặc một số app co cụm lại như app Ví tò mò, Vay40 hay là vay vui vẻ… Khi mở các app này sẽ xuất hiện hàng chục app con, cùng thủ đoạn cho vay 1 triệu đồng sau 6 ngày phải trả 1.500 đồng, tương đương với lãi hơn 250%/tháng, chưa tính các khoán tiền phạt và lũy tiến nếu khách hàng không trả đúng hạn.
|
Nhiều ứng dụng cho vay đã đổi tên để lẩn tránh sự tấn công của lực lượng công an. |
Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó trưởng phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết: "Những cái app này không được đưa lên kho ứng dụng của Google là Play Store. Sau khi các đối tượng cho vay duyệt cho người vay mới cài app vào điện thoại".
Đến nay có khoảng vài chục app đã xóa khỏi ứng dụng trên điện thoại để cho vay trên web. Lãi xuất vay trên các trang web cũng sẽ giao động khoảng 800%/năm.
Người vay ngoài việc phải cung cấp các thông tin cá nhận còn phải quay video chính mình nói về các khoản nợ. Nếu trễ hẹn trả nợ, các đối tượng sẽ tung các đoạn video này lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để bôi nhọ danh dự của người vay.
|
Người vay tiền qua app không chỉ lãi suất cao ngất, mà còn bị khủng bố, đe dọa nếu không trả tiền đúng hạn. |
Bộ Công an cũng đã xác định được khoảng 70 công ty, tổ chức tài chính chưa được cấp phép cho vay ngang hàng để hoạt động tín dụng đen. Chỉ trong một thời gian ngắn, có những công ty đã thu hút hơn 1,5 triệu khách hàng với số tiền giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo dự báo của Bộ Công an, thời gian tới, một hoạt động có thể "tín dụng đen" sẽ ngắm đến là "Thương mại điện tử" với việc giả các hợp đồng thương mại để thực hiện chiêu trò cho vay nặng lãi và đòi nợ.
Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là với Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện ngăn chặn thuê bao không chính chủ, sim rác và thực hiện tuyên truyền nhắn tin thường xuyên cho người dân để đấu tranh với loại tội phạm này.