Soi tài những “ông lớn” đang chạy đua làm đường sắt đô thị Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang chạy đua làm đường sắt đô thị Hà Nội - dự án trị giá 40 tỷ USD được dư luận quan tâm. 

Dự án đầu tư xây đường sắt đô thị Hà Nội với hơn 40 tỷ USD đầu tư đã bắt đầu lộ diện những đại gia có tiếng góp vốn. Ngoài 2 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Mosmetrostroy (Liên bang Nga) và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc thì 5 nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội gồm: Công ty CP Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty LICOGI và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam.
Những "ông lớn" trong nước đang chạy đua làm đường sắt đô thị Hà Nội này đều có hồ sơ năng lực “khủng” trong nền kinh tế Việt Nam.
Soi tai nhung “ong lon” dang chay dua lam duong sat do thi Ha Noi
 5 nhà đầu tư trong nước muốn tham gia làm đường sắt đô thị tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Zing.
1. Công ty CP Tập đoàn Vingroup
Theo thông tin đăng tải trên Zing vào ngày 25/6, Tập đoàn Vingroup sẽ chi khoảng 100.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5 tỷ USD) xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội, bên cạnh những đoạn đang xây dựng bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, cụ thể là đoạn đường nào thì chưa được công bố cụ thể. Tập đoàn vẫn đang đợi thành phố phê duyệt.
Vingroup là một trong những tập đoàn có thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Vingroup chính là ông Phạm Nhật Vượng - người đứng thứ 903 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với tài sản vượt ngưỡng 2,2 tỷ USD (khoảng 49.200 tỷ đồng) theo công bố của tạp chí Forbes năm 2016.
Theo Báo cáo thường niên 2015 của Vingroup, tập đoàn này đang đầu tư vào các lĩnh vực gồm: Bất động sản (Vinhomes, Vincom), Du lịch nghỉ dưỡng – Vui chơi giải trí (Vinpearl, Vinpearland), Bán lẻ (Vincomerce), Y tế (Vinmec), Giáo dục (Vinschool), Nông nghiệp (Vineco).
Lĩnh vực bán lẻ được Vingroup chú trọng mở rộng trong vài năm gần đây với một loạt các thương hiệu như: Chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+; tháng 3/2015 Trung tâm Công nghệ và Điện máy VinPro ra đời nằm tại các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom; Adayroi.com là trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam; và VinDS là thương hiệu chuyên về thời trang, làm đẹp, và phong cách sống.
Tận dụng lợi thế từ hệ thống bán lẻ, nhất là việc gia nhập thị trường sớm đối với Vinmart và Vinmart+, năm 2016, doanh thu từ mảng bán lẻ tăng mạnh 107% so với năm trước lên 8,9 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, bất động sản vẫn đem lại nguồn thu chính cho Vingroup. Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2016 của tập đoàn, doanh thu thuần đạt 58,5 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 72% và 133% so với năm 2015. Kết quả đạt được nhờ tập đoàn ghi nhận mạnh mảng bất động sản và nhờ lợi nhuận tài chính từ bán dự án Star City (Hà Nội) và Green City (TP HCM), lần lượt là 2,2 nghìn tỷ đồng và 2,6 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, doanh thu bất động sản chiếm 77% tổng doanh thu của tập đoàn so với mức 62% của năm 2015. Mảng bán lẻ hiện đóng góp lớn thứ hai với 9%; mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ chiếm khoảng 3%, giảm từ 8% năm trước trong khi Khách sạn & Dịch vụ giải trí đóng góp 5%.
Vingroup đã chuyển VinMec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận bằng việc sẽ sử dụng 100% lợi nhuận để tái đầu tư. Đến cuối năm 2016, doanh thu từ các mảng này đóng góp 2% doanh thu chung của tập đoàn.
Cũng theo báo cáo thường niên năm 2015, Vingroup có tổng tài sản 145.495 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 36.577 tỷ đồng.
2. Tập đoàn Xuân Thành
Nhà đầu tư trong nước thứ 2 trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội là Tập đoàn Xuân Thành (nay là Công ty CP Tập đoàn Thaigroup, có trụ sở chính tại số nhà 8, Đường 1, Phố 9, Phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm chủ tịch HĐQT - doanh nhân trẻ nằm trong nhóm 100 doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2009".
Tập đoàn Xuân Thành được hình thành từ Công ty cổ phần đầu tư & phát triển Xuân Thành. Tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh. Vốn điều lệ ban đầu: 2.500 tỷ đồng (trong đó Nguyễn Đức Thụy chiếm 2.087,5 tỷ đồng)
Đến năm 2007 Xuân Thành Group do Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch bao gồm 11 công ty thành viên, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như cảng nước sâu, bóng đá, chứng khoán, xây dựng, taxi, bất động sản, bảo hiểm, xi măng, khoáng sản, thủy điện, vận tải…
Trên lĩnh vực xi măng, ngoài tiêu thụ trong nước, công ty đã xuất hàng sang Bangladest, Ấn Độ, Indonesia và đang tìm hiểu thị trường một vài nước châu Phi.
Ở lĩnh vực bảo hiểm, tập đoàn của bầu Thụy gây ấn tượng với việc nhanh chóng thanh toán tiền bảo hiểm cho vụ cháy lớn 11.000m2 nhà xưởng, phá hủy máy móc, phương tiện của Công ty may XK Hà Phong tại Đoan Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Vụ cháy đã thiêu rụi hai phân xưởng; 1.200 xe máy; 2.500 máy móc, thiết bị may các loại; 100 máy vi tính, máy in; 1,2 triệu sản phẩm hoàn thiện; 800.000 mét vải… ước tính thiệt hại tới cả trăm tỷ đồng.
3. Công ty CP Lũng Lô 5
Nhà đầu tư trong nước thứ 3 trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội là Công ty CP Lũng Lô 5 – trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng thuộc Bộ Quốc Phòng được thành lập từ những năm 1989 với tên giao dịch ban đầu là công ty khảo sát thiết kế xây dựng Lũng Lô.
Trong suốt quá trình thành lập và hoạt động, đơn vị chủ đầu tư Lũng Lô đã đóng góp rất nhiều thành công trong các dự án trọng điểm quốc gia như: Đường hầm nhà máy thủy điện Đa My-Hàm Thuận,Nhà Máy Thủy Điện Đa Vương-Sông Tranh 2,hầm Đô Lương-Nghệ An, tham gia khảo sát thiết kế đường công nghiệp Bắc Nam,xây dựng hệ thống cảng biển nghề cá ở Quảng Bình, Bạc Liêu, Bình Thuận và Thanh Hóa,cảng và khu neo đậu tàu ở Bạch Long Vĩ-Hải Phòng....
Dự án điển hình chủ đầu tư công ty cổ phần xây dựng và phát triển Lũng Lô 5 mới thực hiện gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội là khu nhà ở chức năng gồm tổ hợp Liền Kề Biệt thự Ao Sào.
4. Công ty TNHH Tân Hoàng Minh
Nhà đầu tư trong nước thứ 4 trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội chính là Công ty TNHH Tân Hoàng Minh - tên tuổi gắn liền với bất động sản siêu sang.
Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thành lập ngày 16/6/1993 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, chủ yếu như: sản xuất & xuất khẩu mây tre đan, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng,…
Năm 1995, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi. Tới năm 2001, số lượng xe phục vụ khách hàng đạt tới 700 xe, chiếm 20-25% thị phần trên cả 3 thành phố là Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hà Nội, đồng thời tạo được thương hiệu “Taxi V20 – Tân Hoàng Minh” uy tín, nổi tiếng. Cùng với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng, năm 1998, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu Ratex.
Ngoài ra, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh chính và là thế mạnh của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Hiện nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang sở hữu hàng loạt dự án siêu sang ở vị trí đắc địa trung trong trung tâm thành phố, gần hồ lớn như: D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. Palais de Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. San Raffles – Hai Bà Trưng, Hàng Bài, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’.El Dorado- Phú Thượng…
5. Liên danh Tổng công ty LICOGI và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam
Nhà đầu tư trong nước thứ 5 trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội là Liên danh Tổng công ty LICOGI và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam.
Theo đó, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng LICOGI là một Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Công ty Con theo quyết định số 1635/QĐ-BXD ngày 30/11/2006 của Bộ Xây dựng.
Tổng Công ty có 33 đơn vị đầu mối, trong đó bao gồm: 11 Đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng LICOGI, 9 Công ty con, 5 Công ty liên kết, 1 Công ty liên kết (không có vốn góp của Tổng công ty), 5 Công ty liên kết (do Tổng công ty góp vốn thành lập), 2 Công ty liên doanh với nước ngoài.
Còn Công ty TNHH Tập đoàn MIK GROUP Việt Nam (viết tắt là MIK GROUP) hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực Đầu tư, Kinh doanh và Phát triển Bất động sản tại Việt Nam. Hiện MIK GROUP đang phối hợp với nhiều đối tác xây dựng & phát triển các dự án bất động sản cao cấp như Imperia Garden, Imperia Sky Garden tại Hà Nội; Imperia An Phú, The Ascott Waterfront Saigon, The Park Residence, Villa Park, Park Riverside, River Park tại TP Hồ Chí Minh; Mövenpick Resort Phú Quốc, Crowne Plaza Phú Quốc Starbay …
Bảo Ngọc (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)