“Soi sức khỏe” tài chính công ty Sông Đà 11 bị phạt 380 triệu

Google News

Tổng số tiền thuế mà Sông Đà 11 bị cơ quan thuế xử phạt, truy thu và chậm nộp là hơn 380 triệu đồng. 9 tháng đầu năm 2023, Sông Đà 11 báo lãi sau thuế 53 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Sông Đà 11 (mã: SJE) vừa công bố thông tin nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục Thuế TP Hà Nội.
Theo đó, Sông Đà 11 bị phạt tiền hơn 45,3 triệu đồng, do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Đồng thời, công ty bị phạt hơn 85 triệu đồng do khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn đối với kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng tháng 11, 12/2021 và các tháng 1, 2, 3, 8, 9, 10, 11, 12 của năm 2022; kỳ khai thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, 2022.
Thêm vào đó, Sông Đà 11 còn bị buộc phải khắc phục hậu quả là phải nộp đủ tiền thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công gần 227 triệu đồng và hơn 23 triệu đồng tiền chậm nộp tiền thuế. Như vậy, tổng số tiền thuế mà Sông Đà 11 bị phạt, truy thu và tiền chậm nộp thuế là hơn 380 triệu đồng.
Ngoài ra, Sông Đà 11 phải giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau hơn 57,2 triệu đồng và giảm lỗ 8,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu Công ty CP Sông Đà 11 bị xử phạt vi phạm thuế. Gần nhất, ngày 7/11/2023, Sông Đà 11 cũng bị Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp chậm tờ khai thuế giá trị gia tăng (mẫu số 01/GTGT-tháng), kỳ tính thuế tháng 9/2023, hạn nộp hồ sơ ngày 20/10/2023, số ngày nộp quá hạn 4 ngày. Theo Cục Thuế TP Hà Nội, Sông Đà 11 có tình tiết giảm nhẹ vì vi phạm trong hoàn cảnh khó khăn do hệ thống mạng internet của đơn vị bị lỗi kỹ thuật.
Doanh thu giảm
Theo giới thiệu tại website doanh nghiệp: songda11.vn, Công ty CP Sông Đà 11 có tiền thân là Đội điện, nước thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Thác Bà thành lập từ năm 1961. Đến năm 2002, với việc phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, công ty được đổi tên thành Công ty Sông Đà 11, và đến ngày 17/8/2004, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần.
“Soi suc khoe” tai chinh cong ty Song Da 11 bi phat 380 trieu
"Soi sức khỏe" tài chính công ty Sông Đà 11 bị phạt 380 triệu (ảnh minh họa: Công ty CP Sông Đà 11).
Sông Đà 11 hiện có trụ sở chính tại tầng 7 tòa nhà hỗn hợp Sông Đà - Hà Đông, số 131 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng các công trình điện, thủy lợi, giao thông, bưu điện. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty là ông Vũ Trọng Vinh. Hiện công ty có vốn điều lệ là 241,6 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Công ty CP Sông Đà 11 cho thấy, doanh thu thuần quý III/2023 đạt 135,4 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, nhờ cải thiện giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 57 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 10,7%, xuống 30 triệu đồng. Trong kỳ, Sông Đà 11 không phát sinh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được cắt giảm xuống mức 2,7 tỷ đồng, giảm 79,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 11%, đạt 23 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay gần như đi ngang.
Kết quả, Sông Đà 11 thu về 29 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 12% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý Sông Đà 11 có lợi nhuận sau thuế cao nhất trong 4 quý qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Sông Đà 11 đạt 429 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu cho thấy, doanh thu bán điện thương phẩm giảm 14%, xuống mức 225 tỷ đồng; doanh thu hợp đồng xây dựng cũng sụt giảm 46% xuống còn 201 tỷ đồng, còn lại đến từ doanh thu khác với chỉ 1,9 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2023 của Sông Đà 11 cũng giảm theo 10%, đạt hơn 172 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận gộp này tiếp tục bị “bào mòn” bởi chi phí tài chính tăng 3%, lên mức 69 tỷ đồng; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 43%, xuống 34 tỷ đồng và khoản lỗ khác 8 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, Sông Đà 11 báo lãi trước thuế đạt 60 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 53 tỷ đồng, đều giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ phải trả gấp 1,52 lần vốn chủ sở hữu
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Sông Đà 11 ghi nhận đạt 1.810 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu tăng 8%, đạt 385 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản; trong đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm 2 tỷ đồng, xuống còn 85 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm 26%, xuống còn 122 tỷ đồng, tương đương 6,7% tài sản; trong đó, chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang 75,6 tỷ đồng; tồn kho nguyên liệu, vật liệu là 45,6 tỷ đồng, còn lại là tồn kho công cụ, dụng cụ. Ngoài ra, Sông Đà 11 cũng còn hơn 476 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Sông Đà 11 tại ngày 30/9/2023 đạt 1.094 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm 74% cơ cấu nợ, đạt mức 807 tỷ đồng, giảm 14% so với thời điểm đầu năm. Tại cuối quý III/2023, vốn chủ sở hữu của Sông Đà 11 đạt 716 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 78,8 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần.
Thống kê dữ liệu hệ thống đấu thầu cho thấy, Công ty CP Sông Đà 11 đã tham gia 131 gói thầu, trong đó trúng 38 gói, trượt 63 gói, 15 chưa có kết quả, 15 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu đạt 3.377 đồng…
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)