UBND tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định thu hồi quyết định số 3272, về việc cho Công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 (đợt 2) tại xã Trà Don và xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) với diện tích hơn 31.000m2.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho báo chí biết, lý do đề nghị thu hồi quyết định trên vì chưa thực hiện đúng chủ trương của tỉnh về rà soát thủy điện vừa và nhỏ từ ngày 11/11 tại cuộc họp giao ban ngày 9/11 vừa qua.
|
Ảnh minh họa. |
Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long được thành lập vào ngày 24/1/1997, có trụ sở chính tại Km 120+800 Quốc lộ 40B, thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Mã số thuế doanh nghiệp là 0301395182. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Đức Long. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là sản xuất điện.
Mặc dù đã hoạt động được 23 năm, nhưng các thông tin liên quan đến hoạt động của Công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long lại không được giới truyền thông nhắc đến.
Trước đó, ngày 20/11/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cho Công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê 31.524m2 đất gồm 10.609m2 tại xã Trà Don và 20.914m2 tại xã Trà Nam để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2.
Cụ thể, diện tích hạng mục xây dựng nhà máy 2.770m2; diện tích hạng mục xây dựng đập, lòng hồ 20.914m2; diện tích hạng mục thi công đường công vụ và tháp điều áp 7.839m2.
Hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất đến 25/8/2059.
Trong hơn 1 tháng vừa qua, ở tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra những vụ sạt lở đau lòng khiến hàng chục người thiệt mạng như: Sạt lở ở Trà Leng, Trà Vân hay Phước Sơn...
Một trong những nguyên nhân được mang ra mổ xẻ tại Quốc hội vừa qua là việc cấp phép cho Thủy điện nhỏ.
Trả lời trên báo Vietnamnet ngày 15/11/2020, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong hơn 5 năm qua, Quảng Nam không cấp phép xây dựng cho thêm thủy điện nào, ngoài 46 thủy điện đã được phê duyệt.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến năm 2025, định hướng 2030 Quảng Nam sẽ là một tỉnh phát triển khá của cả nước. Tinh thần chủ đạo là lấy phát triển kinh tế bền vững làm xuyên suốt trong quá trình phát triển. Bền vững ở đây là nói đến ba trụ cột gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Ba trụ cột này phải hòa quyện với nhau, lấy kinh tế làm chủ đạo nhưng phải đồng thời bảo vệ các trụ cột khác. Xã hội phải giảm thiểu tác động xấu để người dân, mọi cộng đồng được hưởng lợi từ sự phát triển.
"Quan điểm là phát triển bao trùm không để ai lại phía sau, cân đối các vùng miền, giảm thiểu sự chênh lệch. Chúng tôi sẽ không đánh đổi môi trường để xây dựng thêm thủy điện vừa và nhỏ", ông Bửu nói.