Về vụ sạt lở tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, sáng 13/10, ông Dương Văn Quý - phó giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, cho biết công ty sẽ thuê trực thăng bay lên khu vực thủy điện để xác minh thông tin thủy điện sạt lở ảnh hưởng đến nhiều người.
Cho thuê trực thăng tại Việt Nam đã xuất hiện từ vài năm trước nhưng đến nay đó vẫn là dịch vụ mà số người được sử dụng tương đối ít.
Theo bảng báo giá cho thuê trực thăng của Công ty TNHH-TM-DV Du lịch Cánh Én (TP.HCM), mức giá thuê rẻ nhất cũng rơi vào khoảng 6.000 – 7.000 USD cho tour ngắn (như Gia Lâm - Hạ Long - nếu chọn máy bay Mi-17 (24 chỗ). Khách hàng có thể "chơi sang" hơn khi đi những tour ngắn bằng máy bay EC-155 B1 (12 chỗ) với giá 11.375 USD (một chiều) và 11.665 USD (khứ hồi).
|
Dịch vụ cho thuê trực thăng tại Việt Nam vẫn còn rất đắt đỏ. Ảnh: VNH.
|
Tour Gia Lâm - Cát Bi - Gia Lâm chọn máy bay Mi-17 (24 chỗ) có giá 7.580 USD (một chiều) và 7.980 USD (khứ hồi). Trong khi đó, tour bằng máy bay EC-155 B1 (12 chỗ) có giá 13.300 USD (một chiều) và 14.700 USD (khứ hồi).
Đặc biệt, tour Gia Lâm - Điện Biên - Gia Lâm với Mi-17 (24 chỗ) có giá 15.160 USD (một chiều) và 15.960 USD (khứ hồi). Trong khi đó, tour bằng máy bay EC-155 B1 (12 chỗ) có giá 26.600 USD (một chiều) và 28.000 USD (khứ hồi).
Tính ra, số tiền mà khách hàng cần chi cho dịch vụ trực thăng đắt đỏ này dao động từ 150 triệu đồng đến trên 650 triệu đồng. Tùy vào loại trực thăng, số giờ thuê mà chi phí sẽ tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh các dịch vụ du lịch, cưới hỏi hoặc khảo sát địa hình… hiện tại, ở Việt Nam dịch vụ trực thăng cứu hộ cũng đã phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, cứu hộ trong những tình huống khẩn cấp. Theo đó, các máy bay được sử dụng có thể chuyên chở từ 4- 24 hành khách, đường bay đến nhiều vùng như Hạ Long, Lào Cai, Côn Đảo… Trên máy bay luôn có 1 phi công và 1 dẫn đường.
Mức giá của việc thuê trực thăng cứu hộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại trực thăng, số giờ bay…. Một chiếc mang hiệu MI 17, 24 chỗ ngồi, có giá thuê khoảng 4.800 USD/giờ (114 – 124 triệu đồng). Đắt đỏ hơn là dòng trực thăng EC 155, 12 chỗ ngồi, giá thuê cao gần gấp đôi chiếc MI 17 với 8.400 USD/giờ (168 triệu đồng). Nếu có thêm dịch vụ quay phim, chụp ảnh thì ở mức giá dao động trong khoảng 8.950 – 9.300 USD/giờ (179 – 186 triệu đồng).
Dịch vụ bay thuê nguyên chuyến – Private Charter Services ở Việt Nam được nhiều người đánh giá đang chỉ dành cho giới đại gia lắm tiền. Tùy vào loại trực thăng, số giờ thuê, địa điểm khởi hành/cảng đáp mà chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, dù nhiều khi khách sẵn sàng bỏ tiền để sử dụng dịch vụ này song không phải khi nào cũng dễ dàng thuê được trực thăng, bởi thông thường khách phải đặt chỗ trước đó một tuần và thanh toán ngay 50 – 100% phí khi đặt chỗ.
|
Dịch vụ trực thăng ngắm cảnh. Ảnh: VNH
|
Tổng công ty Trực thăng Việt Nam hiện có 4 dòng trực thăng chính đang khai thác cho thuê chuyến thông dụng nhất tại Việt Nam là AW-189, Eurocopter EC-225, Eurocopter EC-155B1 và Kazan Helicopter Mi 172.
Trong đó, giá thuế trực thăng AW-189 là 8.250 USD/giờ, Airbus Helicopters EC-225 là 9.700 USD/giờ, trực thăng Eurocopter EC-155B1 giá 7.150 USD/giờ, Kazan Helicopter Mi 172 giá 4.350 USD/giờ.
Ngoài ra, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam còn có dịch vụ bay ngắm cảnh Vịnh Hạ Long với trực thăng Bell 505 với giá 2,9 triệu đồng trong thời gian 12 phút, 5,9 triệu đồng trong 25 phút và 9,1 triệu đồng trong 40 phút....
Không chỉ có vậy, ở Việt Nam còn có dịch vụ bay thương mại dầu khí, bay phục vụ các chương trình khảo sát, Bay quay phim, chụp ảnh, Bay phục vụ các sự kiện văn hóa – thể thao, bay thăm dò địa chất, bay cấp cứu y tế, bay treo cẩu hàng hóa…
Theo Báo cáo ngày 13/10 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về sự cố tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Vào 12 giờ ngày 12/10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định, thông báo vụ việc. Nhận được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn. Thành phần Đoàn có 21 đồng chí gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.
Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12/10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được. Vì vậy, Đoàn để lại ô tô, đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Đến 21 giờ cùng ngày, Đoàn đến tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ ngày 12/10, Đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm. Lúc 0 giờ ngày 13/10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi Đoàn đang nghỉ. Theo thông tin ban đầu, 8 người đã thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và hai cán bộ địa phương.