Để làm rõ những băn khoăn trên, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Tống Minh Hữu - Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải & Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Theo luật sư Tống Minh Hữu, về mặt pháp lý, trong trường hợp bị thiệt hại về kinh tế, nhà đầu tư có quyền khởi kiện Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Tuy nhiên, việc khởi kiện đó có được cơ quan thụ lý hồ sơ chấp thuận hay không và có đưa đến kết quả buộc bồi thường hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thứ nhất, nhà đầu tư cần chứng minh thiệt hại kinh tế này do lỗi ai? Lỗi do Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, do nhà mạng hay do nguyên nhân khác? Nếu lỗi do HOSE thì nhà đầu tư hoàn toàn có quyền khởi kiện sàn giao dịch này lên Tòa án. Khi đó, nhà đầu tư cần chứng minh số thiệt hại do đơn vị này gây ra trong biên bản kê biên đính kèm.
Thứ hai, cần phải xác định sự cố này ở mức độ nào? Là nguyên chủ quan hay khách quan? Nếu xác định lỗi của HOSE là hoàn toàn do yếu tố bất khả kháng thì có thể sàn này cũng được miễn trừ trách nhiệm bồi thường.
|
Về mặt pháp lý, trong trường hợp bị thiệt hại về kinh tế, nhà đầu tư có quyền khởi kiện Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Ảnh: Internet. |
Mời quý độc giả xem video "Tâm lý đầu tư trước việc Hose dừng giao dịch". Nguồn: VTC1:
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh thực tế, luật Tống Minh Hữu cho rằng, vấn đề thiệt hại trực tiếp cho các nhà đầu tư hiện nay rất khó chứng minh vì vẫn chưa khớp lệnh trong phiên giao dịch đóng cửa ngày 22/1, hàng hóa và tài sản của người mua hay người bán vẫn còn nguyên. Chỉ trong trường hợp thị trường xuất hiện thông tin chấn động, khiến thị trường sụt giảm mạnh, khi đó thiệt hại mới xảy ra, còn trong trạng thái bình thường thì giới đầu tư không có thiệt hại gì.
“Mặc dù vậy, thiệt hại gián tiếp đối với kinh tế vĩ mô nói chung và cả tâm lý, lòng tin nhà đầu tư nói riêng là không thể phủ nhận. Vì thế, với việc gây ra thiệt hại gián tiếp cho nhà đầu tư và cả nền kinh tế, tôi nghĩ, cần phải có quy định rõ về trách nhiệm của những người liên quan, tránh để những sự cố tương tự xảy ra nhưng không có ai chịu trách nhiệm”, luật sư Tống Minh Hữu bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển rất tốt, tâm lý nhà đầu tư rất hào hứng. Do vậy, sự cố này không ảnh hưởng nhiều tới thị trường.
Hôm nay (25/1), sàn HOSE đã hoạt động trở lại sau 3 ngày tạm ngừng giao dịch do sự cố kỹ thuật. Giá tham chiếu cho phiên giao dịch hôm nay là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch 22/1.
Trước đó, trong phiên chiều 22/1, khi thị trường chuẩn bị bước vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), hệ thống giao dịch của HOSE gặp sự cố. Tình trạng này diễn ra cho đến hết giờ giao dịch ngày 22/1 và thị trường chứng khoán đã không thể đóng cửa phiên như bình thường. Đây được coi là sự cố lớn nhất trong 10 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngay sau đó, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng cho rằng đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải. Ông Dũng lưu ý nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường.
Sau khi sự cố được khắc phục, ông Lê Hải Trà, Thành viên Hội đồng quản trị Phụ trách Hội đồng quản trị HoSE cho biết: nguyên nhân của sự cố ngày 22/01/2018 vừa qua đối với hệ thống giao dịch của HoSE được xác định là từ phần mềm khớp lệnh. Các chuyên gia đã thực hiện việc phân tích và vá lỗi trong ngày 23/01.
Ngày 24/1, HoSE đã tổ chức 2 phiên kiểm thử giả lập với các công ty chứng khoán trên toàn thị trường dưới sự giám sát của các chuyên gia. Kết quả cho thấy hệ thống đã hoạt động bình thường và sẵn sàng để mở cửa thị trường trở lại.