Cây rau ngót rừng (hay còn gọi là cây mì chính, cây rau sắng…), thuộc loại cây thân mộc, ưa ánh sáng, mọc tự nhiên trên những vách đá của vùng núi cao trên 100m so với mặt nước biển. Bởi vậy, ngót rừng thường mọc nhiều ở các vùng núi đá trên Lạng Sơn, Thái Nguyên…
|
Nhiều bà nội trợ tìm mua rau ngót rừng để phục vụ bữa ăn gia đình vì tốt cho sức khỏe, sạch và an toàn. |
Mùa rau ngót rừng, rau bò khai năm nay có giá "chát" hơn nhiều so với mùa rau năm ngoái. Nguyên nhân bởi mới vào đầu mùa, lượng rau hái được còn ít. Ngoài ra, nhiều bà nội trợ có tâm lý thịt lợn không đảm bảo trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhiều nơi, nên khẩu phần ăn chuyển sang sử dụng nhiều rau xanh hơn bnhf thường.
Chị Bích Ngọc (TP.Lạng Sơn) cho biết: Rau ngót rừng “xịn” không phải loại được bà con trồng mà là loại rau quý, sống tự nhiên trên rừng, đồi núi. Nó ngọt hơn và mùi vị đặc trưng của rau rừng, cách chế biến cũng rất dễ dàng. Chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi thả vào nấu canh, thêm ít gia vị là có một món canh ngọt đậm đà tự nhiên. Muốn ngon hơn, khi nấu cho thêm ít thịt băm.
Chị Bích Ngọc còn cho biết thêm, năm nay giá rau đắt hơn nhiều so với năm ngoái, có thể do mới đầu mùa và nó lạ miệng, đảm bảo sạch tự nhiên nên được nhiều gia đình tìm mua gần đây.
Chị Chu Thị Liền, một thương lái chuyên thu mua các loại rau rừng tại TP.Lạng Sơn cho biết: Ngót rừng (còn gọi là rau sắng) không phải là loại cây nhỏ, thân bụi như rau ngót nhà. Cây này thuộc họ thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá, cao hơn đầu người, cành lá sum suê. Cuối mùa đông cây rụng hết lá già. Mùa xuân, khoảng cuối tháng Giêng là ra những đợt lá non đầu tiên, đến tháng 2-3 cho thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa, thậm chí cây nhiều tuổi còn có cả quả cũng ăn được.
“Tôi thu mua của dân trong bản hái mang ra bán. Giờ chỉ có rau ngót rừng, rau khẩu cài là đúng chuẩn hái trên rừng tự nhiên, còn rau bò khai trên rừng giờ rất hiếm, ngoài thị trường chủ yếu là rau bò khai trồng tại nhà. Năm nay giá rau rừng đắt gần gấp đôi năm ngoái, nhất là rau ngót rừng. Hiện tại mới vào mùa nên rất ít rau, nhiều người ngỏ ý muốn tôi gom số lượng lớn để mang về Hà Nội bán nhưng không đủ. Tôi chỉ gom đủ để bán lẻ tại các chợ, có muốn thu mua nhiều để bán buôn cũng không có. Hằng ngày tôi đến các huyện Chi Lăng, Tràng Định... thu mua sau đó bán lẻ tại chợ Bờ sông", chị Liền nói.
Theo chị Liền, giá rau ngót rừng năm nay đắt hơn nhiều so với năm ngoái. Nếu năm ngoái ngót rừng bán 50.000 đồng/kg thì năm nay có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, rau bò khai năm ngoái bán 30.000 đồng/kg thì năm nay phải bán 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nếu bán theo mớ thì 1 mớ rau ngót rừng bé tí đã có giá 10.000 - 15.000 đồng/mớ. Ngoài ra còn có hoa rau ngót cũng bán với giá 15.000 đồng/mớ bé, bò khai bán lẻ 80.000/kg...
"Thứ bảy, chủ nhật tôi bán được nhiều cho khách du lịch, khách hành hương đầu năm. Giờ có ai đặt mua với số lượng lớn thì cũng không kiếm đâu ra nguồn rau, chỉ đủ bán lẻ tại các chợ", chị Liền chia sẻ.
Chị Hà Phương, khách hành hương lễ chùa đến từ Hà Nam cho biết: Lạng Sơn nổi tiếng có nhiều loại rau đặc sản nên đoàn chị lên đây ai cũng chọn mua rau làm quà. Rau ngót rừng có rất nhiều tác dụng, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe từ người già đến trẻ nhỏ nên tôi đã mua 5 - 6kg làm quà và để gia đình sử dụng.
"Cả nhà chị ai cũng thích món này, nấu bao nhiêu cũng hết. Cứ từ tháng 3 dương lịch trở đi, rau ngót rừng bắt đầu vào mùa, chị cũng hay nhờ bạn bè mua rồi để tủ lạnh ăn dần nhưng nhiều lúc khó kiếm mà giá thì lại đắt", chị Hà Phương chia sẻ.
|
Hoa ngót rừng cũng được nhiều chị em nội trợ lựa chọn vì nấu canh ngon, thậm chí là có thể dùng để đồ xôi. Chỉ 1 nắm bé cũng được bán với giá 15.000 đồng. |
Hiện, người dân ở các bản cũng thường xuyên lên rừng hái rau rừng mang bán. May rủi, hôm được ít, hôm được nhiều nhưng có có thêm thu nhập cải thiện đời sống gia đình.
Ông Vy Văn Chanh (xã Song Giang, huyện Văn Quan) cho biết, do nhà gần rừng, vào mùa rau ngót rừng (tháng 2-3 âm lịch), ông lại tranh thủ lên rừng hái phắc van (rau ngót rừng) và phắc khảu cài mang ra chợ bán.
"Đến mùa, tôi lại lần theo những con đường cũ đến những cây mà mọi năm hay đi hái. Hái rau này một phần do ăn may vì nhiều lúc vất vả leo lên tới nơi nhưng cây lại chưa ra chồi non hoặc “ghé thăm” muộn nên chồi mọc đã già. Cũng có thể do người khác thấy nên đã hái hết chồi non. Nếu gặp cây to thì hái được một nải đầy, nếu cây bé thì chỉ vài nắm là hết”.
Ông Chanh cho biết thêm: “May rủi nên tùy vào từng hôm, có hôm đi rừng hái được 25-30 mớ rau ngót, hơn 200 mớ rau khảu cài, có hôm chỉ hái được có 5 bó. Thường khi hái từ rừng về, rau sẽ được bó lại từng mớ bé và mang giao cho thương lái buôn ở chợ chứ không có thời gian ngồi bán lẻ. Rau này chỉ ra chồi non một thời gian ngắn, rau đúng mùa ăn ngon, ngọt và mềm. Khi đã hết mùa, dù có còn hái được mang nấu canh cũng không ngon bằng".