Nở rộ các chương trình khuyến mãi
Đón đầu xu hướng tiêu dùng gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách, cũng là cơ hội kinh doanh cuối năm, nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng rầm rộ mở các chương trình khuyến mãi giảm giá rất mạnh ở nhiều nơi.
Tại Tp.HCM, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food thuộc Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) đã liên tiếp dành nhiều ưu đãi cho khách hàng ngay từ đầu tháng 10 đến nay, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm gắn với nhu cầu sử dụng thiết thực hằng ngày của người dân như thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm…
Từ ngày 4 đến 22/11, gần 1.000 điểm bán trên cả nước thuộc các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers sẽ đồng loạt tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng điểm thưởng ở mức cao.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết trong thời gian này, Saigon Co.op sẽ phối hợp với những thương hiệu như Suntory Pepsico, Coca-Cola, Abbott, Carlsberg Vietnam, Unilever… để thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa hấp dẫn. Nổi bật là chương trình giảm giá đến 47% cho hơn 11.000 sản phẩm nhu yếu; Chương trình siêu ưu đãi giảm hơn 50% cho các loại sữa, dầu ăn, nước ngọt, dụng cụ nhà bếp vào những ngày cuối tuần; gói combo giá tốt "Siêu thị Việt cho người Việt"; giảm giá 20% các sản phẩm văn phòng; chương trình "Giá sốc giảm tận gốc" giảm gần 50% khi mua thêm sản phẩm cùng loại; chương trình "Đại tiệc ẩm thực Việt" giảm sâu nhóm thủy hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị, rau củ quả; giảm giá mạnh nhóm bia, nước giải khát trong chương trình "Đại tiệc bia & nước ngọt"; chương trình giảm giá đến 50% cho các loại áo dài, áo sơ mi và các hộp mỹ phẩm phù hợp làm quà tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11…
Theo kế hoạch, đều đặn hằng tuần, các điểm bán thuộc Saigon Co.op sẽ bổ sung danh mục hàng hóa khuyến mãi, tiếp tục giảm giá cho ngành hàng nhu yếu phẩm để kích cầu, thiết thực chia sẻ chi tiêu cùng người dân.
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị GO!, Big C cho biết từ nay cho đến hết ngày 17/11, sẽ áp dụng giảm giá đến 49% đối với hàng ngàn sản phẩm, kèm nhiều quà tặng trên toàn quốc, trong đó tập trung sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng.
Để kích thích sức mua, ngoài siêu thị, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng tăng cường chương trình khuyến mãi. Cụ thể, Công ty Ba Huân (Tp.HCM) đang áp dụng khuyến mãi mua trứng gà loại lớn giá 37.000 đồng/vỉ 10 trứng được tặng 1 vỉ 10 trứng loại nhỏ.
Đại diện Công ty Vissan (Tp.HCM) cũng cho biết đơn vị đang duy trì mức giảm giá phổ biến 5-20% cho nhiều mặt hàng thịt tươi sống, và sản phẩm chế biến, nhận quà tặng như hạt nêm khi mua thịt tươi...
Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng rầm rộ mở các chương trình khuyến mãi giảm giá rất mạnh ở nhiều nơi. Ảnh minh họa ...
Nhưng vẫn vắng khách
Dù có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng không tăng đáng kể. Theo ghi nhận của Tuổi trẻ, 2 ngày cuối tuần vừa qua tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, Tp.HCM lượng khách đến mua sắm chỉ tăng một chút so với các ngày thường, một số gian hàng khách thường chỉ tập trung mua vào giờ chiều tối.
Tương tự, tại siêu thị Bách Hóa Xanh (đường Thân Như Trung, quận Tân Bình, Tp.HCM) dù hàng hóa đầy kệ, nhiều chương trình khuyến mãi nhưng cũng thưa thớt vài người mua.
Tình trạng vắng khách cũng xảy ra ở nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm tại Hà Nội. Những cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc, Bạch Mai, Bà Triệu..., Hà Nội cũng rơi vào cảnh tương tự. Quản lý của một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết, từ sau giãn cách, khách ít ghé đến mua sắm. Hầu như không có khách vãng lai mà cửa hàng chỉ bán cho khách quen. Cố gắng lắm, cửa hàng mới duy trì được khoản doanh thu gần bằng 50% so với trước dịch.
Trong khi đó, dù nhận định nhu cầu thấp nhưng hầu hết doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm cho biết đã chuẩn bị tất cả các khâu để có thể tăng mạnh nguồn cung thực phẩm cho thị trường tiêu dùng cuối năm, giúp duy trì mức giá ổn định.
Sức mua chưa có sự bứt phá
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sức mua trong thời điểm này chưa có được sự bứt phá do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập của người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân trong tháng 9 tháng năm 2021 của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III/2021 giảm mạnh, còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (giảm 300.000 đồng); trong khi quý II/2020, đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị, để nâng sức mua của người dân cần có các giải pháp để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính cho các nhu cầu mua sắm. Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, thực tế tài chính tiêu dùng của Việt Nam phát triển vẫn chậm nếu so với ngay cả những nước trong khu vực. TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho hay, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỉ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ. Thực tế đó cho thấy, dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Nhưng tín dụng tiêu dùng qua nhiều vụ việc cũng gặp phải một số bất cập cho thấy, việc tiếp cận gần hơn với người dân cần được cải thiện. Quá trình thẩm định, lãi suất, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đang trở thành những rào cản lớn và vô tình đã đẩy người dân về phía "tín dụng đen" đi cùng là các loạt hệ luỵ tiêu cực.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho các tổ chức tín dụng mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động cho vay tiêu dùng, để hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền, từ đó gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Mới đây, một ngân hàng quốc doanh cũng cho biết, đã dành 20.000 tỉ đồng để triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân trong nửa cuối năm 2021.