Nằm lọt thỏm trên đường 19/5, phường Trần Tế Xương (TP. Nam Định) nhưng từ 5h30 chiều đến 12 giờ đêm, quán phở 5.000 đồng của chị Nguyễn Thị Chung (SN 1978) hầu như lúc nào cũng đông khách.
Đây không chỉ là điểm đến của hàng trăm học sinh, sinh viên và công nhân lao động sau giờ tan tầm mà còn là nơi hẹn hò của những thế hệ học trò xưa, muốn về ôn lại kỷ niệm. Bởi quán phở này đã gắn bó với họ trong suốt những tháng năm học trò vô tư nhất.
Quán phở 5.000 đồng mở bán từ năm 2005 tại TP. Nam Định
Chị Chung, chủ quán phở 5.000 đồng đang cần mẫn làm phở cho khách.
Nhanh thoăn thoắt chia phở ra từng chiếc bát tô, thêm một viên mọc hoặc một viên xá xíu cùng một chút gà xé, chị Chung cho biết, bát phở 5.000 đồng này chị bán ra hoàn toàn không có lãi.
“Quán tôi bán cả bún, phở, cháo, gà tần, trứng vịt lộn nhưng đến 70% khách đến để ăn phở 5 nghìn.Còn lại, những người công nhân lao động hay những khách hàng khác qua vẫn có thể gọi bát phở 10-20 nghìn hay gọi thêm trứng vịt lộn hoặc bát gà tần”, chị Chung chia sẻ.
Chia sẻ về quán phở 5.000 đồng của mình, chị Chung cho biết, trước khi mở quán phở, chị đã cùng bố mẹ làm hàng cơm trong suốt 8 năm, từ năm 1995 đến năm 2003. Sau khi lấy chồng và ra ở riêng, thấy hàng cơm phục vụ khá vất vả nên chị bàn với chồng mở quán phở.
Khách đến quán chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân lao động.
Bởi vì quán chị bán phở với giá chỉ từ 5.000 đồng nên dần dần trở thành địa chỉ quen thuộc và là điểm hẹn của các bạn học sinh, sinh viên. Từ đó, chị lấy luôn tên quán là phở 5.000 đồng.
Giá hợp lý, nước dùng lại ngon nên người này bảo người kia, rủ nhau đến quán chị Chung để thưởng thức bát phở 5 nghìn. Vì vậy, mỗi ngày, quán chị Chung có thể bán được 1,2 tạ bún, phở; khoảng 40-50 con gà và từ 300-400 quả trứng vịt lộn. Trong đó khoảng 350 bát phở 5.000 đồng và 200 bát phở 10-20.000 đồng.
“Có những ngày lễ, tết hay Noel, tôi bán được khoảng 1,5 tạ bún, phở với khoảng 600-700 bát. Hơn 70 chiếc ghế kín hết người ngồi. Nhiều người xếp hàng lâu quá, đến lượt mình thì hết hàng, phải đi hàng khác nhưng hôm sau vẫn đến để được ăn bát phở 5.000 đồng”, chị Chung nói.
Bát phở 5.000 đồng gồm phở tươi ngon, một miếng chả hoặc mọc, gà xé và nước dùng.
Quán mở từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm nhưng ngày nào chị Chung cũng phải dậy chuẩn bị từ 7 giờ sáng. Buổi chiều, ngoài 3 người trong gia đình, chị phải thuê thêm 3 nhân viên khác để phục vụ khách.
Theo chị Chung, bát phở 5.000 đồng hầu như chị không lấy một đồng tiền lãi nào. Lời lãi chủ yếu là từ những quả trứng vịt lộn, những suất gà tần, chai nước ngọt hay ở những bát phở có giá cao hơn.
“Bát phở 5.000 đồng thì không thể so sánh được với phở 20-30.000 đồng nhưng tôi luôn làm hết mình với cái tâm của mình. Vì quán nằm trong ngõ sâu, chỉ rẻ mà không ngon thì đã không tồn tại từng ấy năm”, chị Chung bộc bạch.
Mỗi ngày, quán phở này bán được khoảng 500 bát, trong đó khoảng 350 bát phở giá 5.000 đồng.
Ngoài sợi phở mềm và những nguyên liệu tươi mới hàng ngày, nước dùng chủ yếu được chị làm từ nước luộc gà và xương lợn hầm với bí quyết nêm nếm riêng chứ không sử dụng bất kỳ loại gia vị nào có hại cho sức khỏe.
Theo chị, nếu giá cả leo thang, nguồn nguyên liệu có đắt lên thì chị sẽ bớt đi một chút để không bị lỗ chứ không tăng giá. Vì nếu tăng giá thì chị sẽ mất luôn ý nghĩa của thương hiệu phở 5.000 đồng suốt bao năm qua.
Lợi nhuận của quán chủ yếu từ các bát phở 10.000 đồng trở lên, hoặc trứng vịt lộn, gà tần và nước ngọt.
Vừa ngon, vừa rẻ, chủ quán lại cởi mở và thân thiện nên quán phở 5.000 đồng đã trở thành điểm đến của hàng trăm khách mỗi ngày và tồn tại suốt gần 2 thập kỷ giữa thành Nam.
Cũng nhờ những bát phở 5 nghìn này mà những người công nhân lao động hay học sinh, sinh viên vừa tiết kiệm được một số tiền không nhỏ hàng ngày vừa có thể cảm thấy ấm bụng sau mỗi ngày vất vả.