Nhưng do quản lý lỏng lẻo đã bị một số cán bộ biến thành nơi "rút ruột", gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
PVN đầu tư “quá tay”?
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phải ra quyết định xử bắn một đồng chí lãnh đạo quân đội để giữ trong sạch đội ngũ và giữ yên lòng quân dân trong kháng chiến. Sau này, khi để xảy ra vấn đề trong triển khai cải cách ruộng đất, bản thân Bác Hồ cũng đứng ra xin lỗi trước nhân dân và nhận trách nhiệm trước Đảng.
Rõ ràng, về mặt nguyên tắc Đảng vẫn luôn xử lý bất kỳ một cá nhân nào cố tình làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước chứ không phân biệt người đó làm chức vụ gì. Vấn đề là phải xem xét những sai phạm đó ở mức nào chứ không thể có miễn trừ với lãnh đạo cấp cao.
|
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ông Đinh La Thăng dù ở PVN thời gian không dài nhưng thời điểm đó PVN lại có nhiều sai phạm (Ảnh: IT) |
Theo TS Đinh Trọng Thịnh, thực ra thời gian ông Đinh La Thăng ở PVN cũng không quá dài. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó Tập đoàn này có nhiều sai phạm. Tất nhiên, cũng cần phải nhìn nhận toàn diện, thời điểm đó PVN vẫn là “quả đấm thép” đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Do đó, các đề xuất đầu tư xây dựng, thăm dò dự án… thường PVN cứ đề xuất là được chấp thuận.
Ngoài ra, khi đó Việt Nam cũng chưa có chủ trương cấm các doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành. Do đó, hầu như các doanh nghiệp Nhà nước đều mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác, và tất nhiên PVN cũng không phải là ngoại lệ.
Ông Đinh Trọng Thịnh phân tích, nói về nguyên tắc thì các dự án PVN đầu tư đều mang tính chất chiến lược cho nền kinh tế, ví dụ nhà máy xơ sợi Đình Vũ, về chủ trương hoàn toàn rất đúng đắn. Vì nhà máy này có thể tạo ra cho ngành sản xuất vải và ngành dệt may Việt Nam cơ sở phát triển bền vững, khi đáp ứng được một phần nguyên liệu cho dệt may.
Tuy nhiên, khi triển khai, thực thi cụ thể dự án đó thì lại có nhiều vấn đề. Từ hình thức triển khai, sử dụng công nghệ, nhà thầu… đều gặp trở ngại, dẫn tới đội vốn, chậm tiến độ… Do đó, khi nhà máy đưa vào hoạt động đã bị mất thời điểm, các sản phẩm giá thành cao, càng làm càng thua lỗ. Ở góc độ nào đó, ông Đinh La Thăng cũng phải chịu trách nhiệm giám tiếp trong dự án này chứ không phải trực tiếp.
Hay đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất hay một số nhà máy nhiên liệu sinh học. Nếu nhìn lại thời điểm đầu tư cho các dự án, giá dầu thô thế giới lên tới trên 100USD/thùng, việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế cho dầu mỏ là rất cần thiết. Nếu không nghiên cứu sản xuất xăng sinh học, tới thời điểm nào đó chúng ta hết dầu thô thì phải làm thế nào?
Tuy nhiên, việc chỉ định thầu thực hiện dự án lại khiến các dự án này chậm tiến độ. Nếu các dự án nhà máy nhiên liệu sinh học này đi vào sản xuất ngay khi giá dầu thô còn hơn 100 USD/thùng thì chắc chắn không lỗ. Chính vì quá trình thực hiện bị kéo dài, chậm tiến độ, nên khi dự án đi vào hoạt động, giá dầu giảm dẫn tới lỗ chồng lỗ. Việc sử dụng công nghệ được đánh giá là lạc hậu, nếu xét về góc độ tổng chỉ huy, ông Đinh Là Thăng cũng có phần trách nhiệm.
Xét về việc góp vốn đầu tư vào Oceanbank, không chỉ Việt Nam mà ở các nước trên thế giới đều đầu tư vào ngân hàng vì lợi nhuận ở lĩnh vực này rất cao. Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước đều muốn có ngân hàng và đầu tư vào ngân hàng. Do đó, các quốc gia trên thế giới đều cẩn trọng khi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngân hàng, vì đó không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn mang lại lợi nhuận lớn.
PVN cũng không tính toán được kinh doanh ngân hàng cũng rất khốc liệt, nếu không cẩn trọng thì lỗ cũng sẽ nhanh hơn kinh doanh sản xuất rất nhiều. Khi PVN đầu tư vào Oceanbank cũng đã có quyết định đầu tư “quá tay” so với mức các cơ quan chức năng cho phép.
|
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester của PVN cũng phải dừng hoạt động do sản xuất ra sản phẩm giá thành cao, gây thua lỗ. (Ảnh: IT) |
Bài học lớn và đau xót
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại cho rằng, các thông tin của cơ quan điều tra liên quan tới ông Đinh La Thăng đã chỉ ra rất rõ, đó là trách nhiệm trong việc góp vốn vào Oceanbank 800 tỷ đồng khiến PVN mất trắng; các dự án làm xăng sinh học, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng là quá lớn.
Trong 12 dự án yếu kém ngành công thương, PVN chiếm nhiều nhất với 5 dự án. Trong đó, có 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Bình Phước và Quảng Ngãi; 2 dự án khác là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và nhà máy Dung Quất.
Tại sao PVN thời kỳ đó có thể làm được như vậy? Chính là vì kinh doanh khai thác dầu khí khi đó rất thuận lợi. Khi mới làm dầu khí, một chuyên gia nước ngoài đã nói với chúng ta “Ai làm dầu khí cũng sẽ có thành tích cao, chỉ đào dầu lên bán sao thành tích lại không cao được”.
“Thực tế, việc bán tài nguyên, thứ mà cả thế giới đều rất cần thì chẳng có gì là khó khăn cả. Có thể chính từ thuận lợi ấy tạo ra tâm lý với một số người quản lý ngành, sống trên “đống tiền” nên có tình trạng khai báo tăng chi phí để rút ruột ngân sách, gây thất thoát cho Nhà nước”, ông Nam nhận định.
Cũng theo ông Nam, do lợi nhuận rất lớn nên các cán bộ làm ở ngành này thường tìm đủ mọi cớ để vẽ ra, làm đội vốn, có dự án đội vốn gấp đôi… “Đó là cách “ăn cắp” hợp pháp, vì cứ báo cấp trên đội vốn nhưng thực chất là những khoản thất thoát đó lại vào túi một số cá nhân. Cung cách như thế, nếu nói tài giỏi chính là nghĩ cách rút ruột ngân sách Nhà nước chứ không phải là tài trong kinh doanh”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng cho rằng, nhìn lại thời điểm bắt đầu Nhà nước tập trung đầu tư phát triển công nghiệp đến nay thì cứ doanh nghiệp nào được đầu tư lớn lại càng kém cỏi, điển hình như Vinashin, Vinalines và bây giờ mới “đụng” tới PVN...
“PVN được xác định là “con bò sữa” để nuôi ngân sách Nhà nước. Nhưng đáng buồn là do do việc quản lý ở đây quá lỏng lẻo nên đã để xảy ra tình trạng rút ruột ngân sách”, ông Nam bức xúc.
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) cho rằng, PVN là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước nhưng để xảy ra tình trạng như hiện nay là rất nghiêm trọng. Qua đó, Nhà nước cần phải xem xét lại việc quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước chứ không chỉ riêng PVN.
“Đây là bài học lớn, đau xót cho công tác quản lý của Nhà nước, nó không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế, gây thất thoát hàng nghìn tỷ mà quan trọng hơn là ảnh hưởng tới uy tín của Đảng. Do đó, cần phải xử lý nghiêm minh, đúng người đúng việc, không né tránh, không châm chước. Đặc biệt, cần tìm cách thu hồi một phần vốn nhà nước bị thất thoát để tạo được sự đồng thuận của xã hội”, ông Lưu Bích Hồ nói.