Từng bước phát triển
Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 76/172 quốc gia về chỉ số sẵn sàng cho AI. Đầu năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới.
|
Ảnh minh họa, nguồn internet |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau hơn một năm triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, chúng ta đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Các chuyên gia về AI thừa nhận, trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ứng dụng, mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống cũng như hỗ trợ người lao động ở nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI và ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới.
FPT gần đây đã công bố sẽ chi 300 tỷ đồng (13,16 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển AI trong năm năm tới. Doanh nghiệp này đã đầu tư cho những nghiên cứu liên quan từ năm 2013. Đến nay, nó đã hình thành được một hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp và nền tảng giúp doanh nghiệp khác tối ưu hóa hoạt động và cải thiện hiệu suất, phục vụ hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối.
VNPT, một doanh nghiệp viễn thông xuất phát từ nhà nước, đang đẩy mạnh phát triển những công nghệ AI liên quan đến thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Bắt tay với các địa phương, VNPT đã triển khai trên 30 trung tâm điều hành và giám sát thông minh (IOC) ở các tỉnh/thành phố trên toàn quốc, trong đó nhiều trung tâm đã đưa vào vận hành.
Vingroup hướng vào các công nghệ ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, ô tô thông minh và xe tự lái, Viettel đặt trọng tâm đầu tư vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao.
Trong giai đoạn cấp thiết của dịch bệnh, áp dụng Trí tuệ nhân tạo đã chứng minh hiệu quả của công nghệ trong việc hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu. Những ứng dụng nổi bật của AI thời gian qua có thể kể đến như truy vết người tiếp xúc khi có ổ dịch hoặc ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao đòi hỏi sự nhanh chóng và chính xác trong công tác nhập liệu, công nghệ chuyển hình ảnh thành văn bản với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống.
|
Ảnh minh họa, nguồn internet |
Những thách thức phía trước
Một trở ngại quan trọng mà Việt Nam cần vượt qua là xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán. AI là một lĩnh vực dựa trên dữ liệu, nên nếu không có dữ liệu tốt và cập nhật thường xuyên, chúng ta sẽ lâm vào ngõ cụt. Trong khi đó, hạ tầng tính toán là “cỗ máy” để AI chạy cũng rất quan trọng, bởi khi tốc độ phát triển và áp dụng AI ngày càng tăng thì khối lượng tính toán và tài nguyên cho tính toán cũng phải tăng tương ứng.
Hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi. Việt Nam chưa có nhiều bộ dữ liệu chất lượng tốt; các dữ liệu thường bị phân mảng, ít liên thông và hạn chế về quyền truy cập. Nói đến Chiến lược AI, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã từng cho rằng để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành văn hóa chia sẻ dữ liệu và tiếp cận mở.
Nỗ lực thúc đẩy chia sẻ và tập trung dữ liệu của Chính phủ Việt Nam đã được thể hiện qua việc khởi động Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) chia sẻ dữ liệu bộ ngành, địa phương; cũng như thiết lập Hệ tri thức Việt số hóa để thu thập nguồn dữ liệu từ cộng đồng, dán nhãn và tiền xử lý những dữ liệu đó nhằm ứng dụng cho trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, để AI được nghiên cứu và áp dụng phổ biến hơn, văn hóa chia sẻ, kết nối và mở cửa cần lan tỏa đến cả khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia, việc phát triển AI cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Hiện tại, nhân lực AI cũng là những đối tượng được săn đón không chỉ bởi các doanh nghiệp trong nước mà cũng đang là “hàng hot” đối với những tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn cung nhân lực AI đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng.
Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI. Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Số nhân lực ra trường và có thể đi làm được luôn là rất hiếm.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên vẫn là vấn đề muôn thủa của giáo dục trong nước khi việc đào tạo tại trường khác xa so với ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực cần thực hành và tiếp xúc công nghệ cao như AI. Hơn thế nữa, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn khiến sinh viên khó tiếp cận với những tài liệu AI vốn quá chuyên ngành, từ đó hạn chế năng lực nghiên cứu.