Về nghỉ hưu mà ông đã làm được một việc lớn, đầy ý nghĩa, xây dựng ngôi trường dạy học với những suy ngẫm sâu sắc về trồng người cùng những ý tưởng đột phá nhằm góp phần chấn hưng, hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam…
Học ngành tự động hóa và chế tạo máy tại Trường ĐH Năng lượng Matxcova (Nga), về nước ông Hoàng Văn Lược trở thành chuyên gia đầu ngành về tự động hóa ở Bộ Cơ khí luyện kim. Ông cũng rất thành công khi chuyển sang làm quản lý tại Tổng Công ty Xi măng VN, đặc biệt là 15 năm làm Phó Tổng GĐ LD Xi măng Nghi sơn (LD giữa Tổng Công ty Xi măng VN và TĐ Mitsubishi Nhật Bản).
Bằng vốn sống và những kinh nghiệm thực tế của một doanh nhân thành đạt, với tâm huyết và tấm lòng đau đáu muốn đóng góp, cống hiến cho đất nước trong lĩnh vực trồng người nhằm giáo dục những công dân tương lai thành những con người kiến tạo và yêu nước, ông Lược đã mạnh dạn cùng bạn bè góp vốn, vay mượn hơn 300 tỷ xây dựng ngôi trường khang trang trên diện tích 9.000 m2 cùng nhiều trang thiết bị, phương tiện học tập hiện đại, lĩnh vực khác hẳn những công việc trước đây của ông.
Không phải là một nhà giáo dục thuần túy, ông Hoàng Văn Lược đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở các nước tiên tiến, lịch sử giáo dục Việt Nam, quan điểm giáo dục của các bậc trí thức đất nước rồi vận dụng sáng tạo vào phương châm dạy và học tại ngôi trường tâm huyết của ông. Không ngại gian nan, vất vả, thất bại để vượt lên trở thành người ươm mầm cho thế hệ mới, ông đã ngồi thâu đêm viết về Chiến lược phát triển giáo dục, cẩm nang tuyển sinh và suy ngẫm về sự nghiệp trồng người của trường. Ông luôn trăn trở, day dứt với câu hỏi: Bước chân ra ngoài đời, con có gì trong tay?
Sau gần 10 năm hoạt động, MIS đã tiên phong dạy học theo hướng phát triển kĩ năng của thế kỷ mới, áp dụng công nghệ giáo dục tiên tiến, lớp học thông minh và ngày càng khẳng định vị thế của mình, không chỉ ở số lượng học sinh, chất lượng giáo dục, phương pháp giảng dạy, kết quả thi cử, đội ngũ giáo viên tài năng mà MIS còn vươn lên trở thành lá cờ đầu trong các trường dân lập của ngành giáo dục thủ đô. Điều đáng nói nữa là học phí của MIS thấp nhất so với các trường dân lập ở Hà Nội nhưng học sinh lại được giáo dục toàn diện, chất lượng thi cử đứng vào top đầu các trường dân lập ở Hà Nội.
Sứ mệnh cao nhất của Hệ thống giáo dục Đa trí tuệ (MIS), đó là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tôn trọng sự khác biệt, từng trí thông minh, niềm đam mê riêng của mỗi cá nhân để học sinh luôn thích học và hạnh phúc. Mục tiêu giáo dục của MIS là lấy học sinh làm chủ thể trung tâm xây dựng môi trường văn hóa Kiến tạo-Thân thiện, an toàn và nhiều tình thương…
Từng nghe ông Lược nói về lĩnh vực tự động hóa, chế tạo máy, điều hành và quản lý ngành xi măng, rồi nghe ông đọc thơ, sáng tác nhạc, vậy mà tôi đã ngồi gần 3 tiếng để nghe ông nói về những trăn trở về ngành giáo dục nước nhà và cả những khát vọng, tâm huyết của ông khi mở ngôi trường này.
Theo ông: Giáo dục không bao giờ ngừng nghỉ bởi ai cũng phải học. Làm giáo dục không thể nóng vội, không thể kiếm tiền ngay, không thể đốt cháy giai đoạn mà phải kiên trì từng bước. Tuy nhiên, cái được lớn nhất mà ông làm được không đo đếm bằng tiền bạc mà là giá trị văn hóa, giá trị con người, giá trị chất xám cho đất nước, cho Tổ quốc Việt Nam.
Trong khi nhiều người có tiền, những đại gia nhảy bổ vào lĩnh vực bất động sản, buôn bán đất đai để làm giàu nhanh chóng thì tâm huyết và tấm lòng của ông Hoàng Văn Lược muốn thổi một luồng sinh khí mới vào lớp trẻ, nhằm tạo ra một lớp thanh niên mới thực sự có tri thức để xã hội Việt Nam đi lên và phát triển … rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng.