Khu “đất vàng” gần Hồ Gươm xin xây tăng tầng Hà Nội nói gì?

Google News

UBND TP Hà Nội đã chính thức lên tiếng xoay quanh các thông tin liên quan đến dự án trụ sở văn phòng tại khu “đất vàng” số 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm.

 
Liên quan đến dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt, UBND TP Hà Nội cho biết, trước đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1352 năm 2019) và trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) đã hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ phương án kiến trúc công trình tại các khu đất nêu trên, gửi xin ý kiến các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan, xin ý kiến Bộ Xây dựng.
"Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-C1 được duyệt, khu đất trên có thể xây công trình tối đa 8 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%. Tuy nhiên, nhà đầu tư đề xuất xây dựng công trình cao tầng vượt chỉ tiêu cho phép của Quy hoạch trong khu vực", UBND TP Hà Nội thông tin.
Khu “dat vang” gan Ho Guom xin xay tang tang Ha Noi noi gi?
Khu “đất vàng” số 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt gần với Hồ Gươm. (Ảnh: Vietnamnet).
UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo tại thông báo 451 ngày 30/9/2020 giao Sở QHKT hướng dẫn chủ đầu tư lựa chọn 2 phương án. Cụ thể, phương án 1, giao Sở QHKT chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm sớm đề xuất tổ chức lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố và quy chế quản lý liên quan và trình thẩm định phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật, báo cáo UBND TP theo quy định.
Nhà đầu tư sẽ thực hiện phương án quy hoạch kiến trúc theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được duyệt tại đồ án thiết kế đô thị.
Phương án 2, trong trường hợp nhà đầu tư muốn thực hiện đầu tư xây dựng ngay công trình thì thực hiện theo đúng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc liên quan đã được duyệt.
Thực hiện chỉ đạo, Sở QHKT đã có các văn bản vào tháng 10/2020, tháng 1/2021 hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện. Đến nay, nhà đầu tư chưa có hồ sơ về thủ tục liên quan đến quy hoạch kiến trúc gửi vào sở.
Khu “dat vang” gan Ho Guom xin xay tang tang Ha Noi noi gi?-Hinh-2
 Dự án tại khu "đất vàng" sát Hồ Gươm bị bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh: Phùng Đô).
Trước đó, hồi tháng 7/2022, chất vấn về công tác giám sát đầu tư đối với dự án chậm triển khai tại phiên họp của HĐND TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (quận Tây Hồ) cho biết dự án "đất vàng" chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét, với diện tích gần 2.300 m2, dự án này được UBND TP quyết định giao đất từ năm 2019.
Các đại biểu HĐND và cử tri đi qua khu vực này vẫn là dự án chậm tiến độ, quây tôn. Đại biểu đề nghị các sở, ngành cho biết dự án này và các dự án khác được giám sát như thế nào khi đến nay vẫn chậm tiến độ, chưa triển khai, trách nhiệm của của các đơn vị có liên quan là như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết UBND TP đã có Quyết định số 7509 năm 2015, giao khu đất hơn 2.254 m2 cho Tập đoàn T&T. Theo quy hoạch chi tiết của quận Hoàn Kiếm 1/2000 trước đây thì khu vực này tuyệt đối không được gắn chức năng ở, không được gia tăng hạ tầng kỹ thuật, xã hội… phải đáp ứng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực xung quanh.
Tổ hợp kiến trúc 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt được xác định chức năng công trình là trụ sở văn phòng Ngân hàng SHB, phù hợp với định hướng quận Hoàn Kiếm là trung tâm dịch vụ tài chính của TP.
Lô đất này cũng nằm ngoài khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Theo đó, Sở QHKT và quận Hoàn Kiếm đang xây dựng đồ án thiết kế đô thị để chậm nhất quý I/2023 sẽ trình UBND TP xem xét.
Đây là công trình đóng góp có giá trị cho nội đô lịch sử nên sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, xác định nội dung quy mô phù hợp, tránh để đất đai lãng phí.
Trước đó, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng trụ sở Văn phòng cao 45 m, quy mô 14 tầng + 1 tum.
Theo TP Hà Nội, công trình có chức năng văn phòng nên không làm quá tải dân số, mà sẽ góp phần đồng bộ các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng chất lượng cao rất cần cho khu vực trung tâm Thủ đô. Dự án đủ điều kiện để xem xét quy mô chiều cao công trình tạo điểm nhấn không gian kiến trúc, đủ điều kiện để xem xét quy mô chiều cao công trình.
Theo Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tỷ lệ 1/2.000 mà Hà Nội công bố thì vị trí các phân khu nội đô lịch sử thuộc địa giới hành chính quận Hoàn Kiếm là (H1-1A, H1-1B, H1-1C), quận Ba Đình (H1-2), quận Đống Đa (H1-3) và Hai Bà Trưng (H1-4). Phạm vi ranh giới từ Vành đai 2 tới hữu ngạn sông Hồng. Diện tích lập quy hoạch 2.709,75ha, dân số đến năm 2030 và 2050 là 672.000 người (dân số hiện nay hơn 887.000 người).

Đối vớ khu phố cổ (QHPK H1-1A) là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Khu vực Hồ Gươm và phụ icận (QHPK H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, có chức năng là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.

Khu phố cũ (QHPK H1-1C) và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4 là khu đô thị cũ có nhiều công trình giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Có các chức năng chủ yếu gồm di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và chức năng công cộng khác.

Khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4) là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...
Khánh Hoài (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)