Vinhomes (VHM) thu về kết quả kinh doanh khởi sắc nhất trong nhóm VN30 khi đạt 6.844 tỷ đồng lãi ròng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Tuy vậy phần lớn khoản lãi này đến từ việc chuyển nhượng tài sản.
Còn với Vingroup (VIC), Tập đoàn báo lãi ròng giảm sâu 58% về mức 438 tỷ đồng, đóng góp nhiều nhất có thể đến là mảng bất động sản.
Thành viên còn lại trong nhóm họ Vin là Vincom Retail (VRE), do ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc phải đóng cửa đến 23 trung tâm nên Công ty cũng phải báo lãi ròng giảm 19%.
Hai ông lớn Novaland (NVL) và Coteccons (CTD) cũng gặp không ít khó khăn khi diễn biến thị trường bất động sản “đóng băng” trong những tháng đầu năm.
Theo đó, NVL báo doanh thu giảm đến 81% dù vậy thì lãi ròng 9% lên 322 tỷ đồng nhờ vào các khoản thoái vốn từ công ty con. Trong khi CTD báo doanh thu và lãi ròng giảm lần lượt 16% và 35% so cùng kỳ.
Vài doanh nghiệp thu về kết quả khả quan
Vinamilk cũng duy trì được kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu tiên khi ghi nhận lãi xấp xỉ so cùng kỳ ở mức 2.765 tỷ đồng.
Một công ty công nghệ là FPT (FPT) cũng có được kết quả tích cực nhờ các mảng kinh doanh chưa bị ảnh hưởng rõ nét bởi COVID-19 trong quý 1/2020. Theo đó, Công ty báo lãi ròng tăng đến 19% so cùng kỳ lên mức 747 tỷ đồng từ mức 626 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ngành thép – Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt được kết quả khả quan với lợi nhuận ròng 2.285 tỷ đồng, tăng 27%. Sản lượng thép tăng 5% cùng mức giá bán tốt đã đẩy doanh thu mảng thép Hòa Phát lên 15.591 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận 2.872 tỷ đồng, tăng 22%.
Mảng nông nghiệp ghi nhận doanh thu 2.779 tỷ đồng, tăng 59%; lợi nhuận 482 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Mảng nông nghiệp của Hòa Phát gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm.
Nhóm ngân hàng có sự phân hoá
VPBank (VPB) gây ấn tượng với mức tăng lợi nhuận ròng 63% lên 2.314 tỷ đồng. Tuy vậy, trong đầu tháng 3, VPBank và công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc là FE Credit nằm trong số những đơn vị đang bị Moody’s xem xét hạ tín nhiệm.
Nằm trong top báo lãi tăng còn có Eximbank (EIB) tăng 31% lên 366 tỷ đồng, Techcombank (TCB) tăng 18% lên 2.456 tỷ đồng.
Ngược lại, những ông lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank hay như MB Bank đều tăng trích lập cả ngàn tỷ đồng trong quý 1/2020 và theo đó đều báo lợi nhuận suy giảm so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Vietcombank giảm lãi 11% xuống 4.178 tỷ đồng, BIDV giảm 28% xuống 1.409 tỷ đồng và MBBank giảm 8% xuống 1.712 tỷ đồng.
Do tình hình dịch COVID-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3, nên CTCK Sài Gòn (SSI) ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý 1/2020 là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, trong quý 2/2020, SSI cho rằng thu nhập lãi, thu nhập từ phí, và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
|
Doanh nghiệp VN30 làm ăn như thế nào? |
Doanh nghiệp gặp khó do bị ảnh hưởng bởi COVID-19
“Ông lớn” ngành bia Sabeco (SAB) hứng chịu tác động kép từ Nghị định 100 và COVID-19 khiến doanh thu của Công ty trong quý 1 cũng theo đó sụt giảm đến 47%. Dù đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để bù đắp, lợi nhuận ròng của Sabeco chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng trong quý, sụt 43% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng tiền kinh doanh của Sabeco cũng âm gần 1.100 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm, trong khi cùng kỳ dương 378 tỷ đồng.
Một “ông lớn” ngành dầu khí là Petrolimex (PLX) phải nhận về khoản lỗ ròng 1.893 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lợi nhuận ròng 1.201 tỷ đồng do giá xăng dầu tuột dốc về các mức thấp lịch sử.
Theo phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), sở dĩ Petrolimex hoạt động thua lỗ nặng trong kỳ do diễn biến giá dầu bất lợi, giảm 70% từ mức khoảng 70 USD/thùng vào ngày 3/1/2020 còn 23 USD/thùng vào ngày 31/3/2020.
Thêm vào đó, có khả năng sản lượng bán của Petrolimex giảm khoảng 20% so cùng kỳ theo ước tính của VCSC dựa trên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của ngành giảm khoảng 20-30% do dịch COVID-19.
Sản lượng thấp hơn từ mảng dầu nhiên liệu máy bay cũng là một trong những nguyên nhân khiến Petrolimex báo lỗ.
Doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) cũng bất ngờ công bố khoản lỗ 78 tỷ đồng. Doanh thu MSN trong quý tăng mạnh 116% lên 17.632 tỷ đồng nhờ hợp nhất VinCommerce (VCM) – mảng bán lẻ mới nhận chuyển nhượng từ Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, VCM vẫn lỗ 897 tỷ đồng quý 1.
Ngoài ra, thu nhập từ Masan Resourcs (MSR) giảm do tác động của dịch trên giá hàng hóa toàn cầu, Masan MEATLife (MML) lỗ do tăng đầu tư để phát triển quy mộ hoạt động và phát triển thương hiệu toàn quốc. Ngược lại, duy có MCH hỗ trợ kết quả kinh doanh MSN khi lợi nhuận sau thuế tăng 4,7%.
Chịu tác động tiêu cực từ việc hạn chế bay để chống dịch COVID-19 trong nước và các quốc gia trên thế giới đã khiến Hàng không Vietjet (VJC) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gặp khó.
Theo đó, tổng doanh thu hàng không trong quý 1 của Vietjet đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lỗ của Vietjet Air là 989 tỷ đồng, nhưng Vietjet vẫn còn lượng tiền mặt hơn 2.452 tỷ đồng.
Vietjet cho biết, đây là lần đầu tiên từ khi niêm yết, Công ty có một quý hoạt động lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ này thấp hơn dự kiến ban đầu.
Trong quý 1/2020, Vietjet khai thác 29.401 chuyến bay, chuyên chở gần 4,5 triệu lượt khách, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.