Ông chủ TV Việt và chiến lược âm thầm sống giữa “bày sói” ngoại

Google News

Gần 20 năm bán tivi bình dân, hãng điện tử Asanzo mới đây đã đặt một chân vào thị trường sản xuất tivi cao cấp với việc rót vốn hơn 10 triệu USD vào thương hiệu Kooda.

Mời quý độc giả xem video: "Asanzo là ai - Tivi thương hiệu Việt Asanzo". Nguồn: HTV9
Từ bỏ truyền thống gia đình để theo đuổi đam mê kinh doanh
Phạm Văn Tam sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm gốm sứ ở Móng Cái – Quảng Ninh. Nằm ở vùng biên giới, nơi đây rất phát triển hoạt động giao thương buôn bán với nước bạn.
"Sau những giờ học trên lớp, tôi ít khi về nhà mà la cà sang các khu chợ vùng biên. Tôi luôn cảm thấy vui thích khi được xem hoạt động giao thương sôi động nơi đây", ông chủ hãng điện tử Asanzo chia sẻ.
Và chỉ bằng việc quan sát và học hỏi, Phạm Văn Tam đã nhanh chóng kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ việc mua đi bán lại các món hàng. Một cách tự nhiên, cậu yêu thích công việc này và cũng từ đó, Phạm Văn Tam không còn tha thiết với công việc làm gốm sứ của gia đình. Dù vậy, những kinh nghiệm quý báu từ cách vận hành cho đến quản lý mô hình sản xuất gốm sứ trở thành những bài học vỡ lòng đáng quý, hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của cậu sau này.
Kiếm được tiền ngay từ những ngày còn nhỏ nên cậu thiếu niên Phạm Văn Tam quyết định không vào đại học.
Rời ghế nhà trường khi vẫn còn là một cậu bé chưa trưởng thành, Phạm Văn Tam chưa có bất kỳ định hướng rõ ràng. Vốn sẵn không thích nghề gốm, ngay khi được người cậu ruột hướng theo nghề chụp hình, Tam đã nhanh chóng đồng ý.
Ong chu TV Viet va chien luoc am tham song giua “bay soi” ngoai
CEO Asanzo Phạm Văn Tam. 
Xây dựng thương hiệu từ trên sân nhà
Trong một chuyến đi vào Nam rất tình cờ cùng những người bạn, ông chủ Asanzo đã bén duyên với mảnh đất Sài Thành.
Những năm 2000, nhu cầu sử dụng Tivi tăng nhanh, kéo theo sự sôi động của thị trường linh kiện điện tử. Phạm Văn Tam tìm hiểu sâu về lĩnh vực này và quyết định chọn Nhật Tảo, chợ điện tử lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh khi đó để bắt tay vào khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu, công việc buôn bán không mấy suôn sẻ.
Trong lúc loay hoay chưa xác định được lối đi, một tiểu thương giàu kinh nghiệm đã giúp Tam khi trở thành đại lý phân phối độc quyền cho các sản phẩm của Tam. Việc tập trung vào 1 đối tác duy nhất, giúp Tam giảm khối lượng công việc, tối ưu hóa nguồn vốn, có thêm nhiều thời gian để chăm sóc khách hàng, tìm nguồn sản phẩm chất lượng và ổn định quy trình làm việc của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, Phạm Văn Tam cùng với đại lý độc quyền duy nhất của mình đã chiếm được toàn bộ thị trường linh kiện trong khu vực.
Tuy nhiên, việc chuyển tiền thời đó được thực hiện khá thủ công và anh nhận được "bài học" đắt giá khi bị lừa số vốn hơn 400 triệu đồng vì quá tin người.
Đến giữa năm 2007, thị trường kinh kiện thoái trào, anh lại phải làm lại từ đầu.
Bắt kịp xu hướng chung, Phạm Văn Tam thành lập doanh nghiệp sản xuất của riêng mình với thương hiệu điện tử Fujiko. Với mạng lưới khách hàng đã xây dựng nhiều năm nên trong đợt hàng đầu tiên anh được các đại lý đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, việc không sớm nhận ra tầm quan trọng của việc làm thương hiệu đã khiến Fujiko mất dần sức cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc.Cái tên Fujiko đã không thể trụ lại chỉ sau hơn một năm ngắn ngủi.
Năm 2009, Phạm Văn Tam tiếp tục tìm đường gây dựng vốn để thành lập công ty Bảo Ngọc với thương hiệu SUPOVIET. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, anh xây dựng doanh nghiệp mới của mình một cách bài bản hơn. Và anh cũng bắt đầu chủ động học cách làm thương hiệu.
Được khách hàng quan tâm và nhận biết, SUPOVIET dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là vùng nông thôn. Tuy nhiên, quy mô càng mở rộng thì các khâu tổ chức, quản lý và điều hành càng bộc lộ nhiều hạn chế. Một lần nữa, may mắn vẫn chưa mỉm cười với Phạm Văn Tam.
Giữa năm 2014, công ty cổ phần điện tử Asanzo ra đời với hy vọng thâm nhập thị trường Tivi vốn nằm trong tay những ông lớn đến từ nước ngoài. Lần này, Phạm Văn Tam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt từ nhân sự, kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh quản trị. Cùng với hệ thống khách hàng rất rộng lớn đã từng xây dựng từ mười mấy năm trước, anh tin tưởng mình sẽ "làm nên chuyện" với Asanzo.
Ghi danh với Asanzo
Bắt đầu lại với Asanzo, Phạm Văn Tam đã huy động toàn bộ nguồn vốn đầu tư có được để xây dựng một nhà máy có tổng kinh phí lên đến 20 triệu USD chuyên sản xuất các sản phẩm Tivi phục vụ cho vùng nông thôn và gia đình lao động có thu nhập thấp. Đây được xem là quyết định táo bạo, liều lĩnh và thành công nhất của doanh nhân Phạm Văn Tam.
Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức 300.000 chiếc. Đến năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng.
Ong chu TV Viet va chien luoc am tham song giua “bay soi” ngoai-Hinh-2
 
Đến nay, chỉ sau 03 năm sản xuất, Tivi Asanzo đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường khi chiếm tới 15% lượng Tivi bán ra, theo số liệu từ GFK. 65% trong số đó đến từ các vùng nông thôn khắp nơi trong cả nước. Phạm Văn Tam đã thực sự thành công và tạo nên một sự thay đổi đến khó tin trong bức tranh chung của thị trường điện tử Việt.
Khi được hỏi về những đối thủ cạnh tranh, Phạm Văn Tam cho biết chưa bao giờ nghĩ mình đang đối đầu với bất kỳ ai. Anh quan niệm với dân số hơn 90 triệu người, mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam đều có thế mạnh riêng và nhóm khách hàng chủ đạo.
"Chúng tôi không cạnh tranh mà lấp đầy những khe hẹp của thị trường, nơi các nhà sản xuất lớn không thế thu mình lại để đáp ứng khách hàng. Sản phẩm được mở rộng ra các phân khúc thấp hơn, ở những vùng xa hơn thay vì chỉ tập trung trong gia đình khá giả trong khu vực trung tâm.", doanh nhân 8x chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở tivi
Sau thành công với sản phẩm Tivi lắp ráp có tỉ lệ nội địa đạt 30% và dự kiến sẽ đạt 60% trong năm nay, Phạm Văn Tam bắt đầu nhắm tới những mục tiêu xa hơn. Cuối năm 2016 vừa qua, Asanzo bắt đầu đặt chân vào thị trường điện lạnh với các sản phẩm máy làm mát và máy lạnh Inverter.
Đặc biệt, trong tháng 7, công ty sẽ cho ra mắt sản phẩm Smartphone giá rẻ, đánh dấu một bước tiến mới xa hơn cho hành trình mang lại "giá trị thực" cao nhất cho khách hàng. Đây cũng sản phẩm góp phần nâng cao vị thế của thương hiệu cũng như cung cấp thêm nhiều tiện ích hiện đại cho khách hàng.
Ông Tam ví việc từ một nhãn hàng sản xuất TV chuyển sang làm smartphone như “đi thi đại học", mà muốn đậu đại học thì buộc phải đi thi, không thể ngồi đó mà tự dưng đậu.
“Cũng như việc chuyển từ sản xuất TV CRT sang TV LED để đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi sẽ sản xuất smartphone để tận dụng lợi thế sẵn có và mở rộng kinh doanh", CEO 8x của Asanzo nói.
Theo ông Tam, mạng lưới phân phối của Asanzo hiện tiếp cận được 6.000 cửa hàng trên toàn quốc, chưa kể các đối tác bán sỉ của công ty có thể bỏ mối cho các cửa hàng nhỏ hơn. Nếu một cửa hàng trong hệ thống phân phối của Asanzo mỗi tháng bán được 2-3 chiếc smartphone thì trung bình mỗi tháng doanh số có thể đạt 20.000 máy, một con số rất cao nếu so với doanh thu hiện tại của các hãng smartphone trong nước.
Nói về những rủi ro khi tham gia thị trường di động, ông chủ Asanzo cho biết đã có nền tảng sẵn từ khâu phân phối, kho bãi, quy trình, hiện chỉ đầu tư thêm nhà máy lắp ráp sản phẩm smartphone và nhân sự phụ trách mảng này. Asanzo sẽ không đầu tư theo kiểu “5 ăn 5 thua" mà xác định đầu tư lâu dài, có lộ trình và điểm dừng, vì công ty còn các lĩnh vực kinh doanh khác, không chỉ “sống chết" vì mỗi ngành di động.
“Chúng tôi tính toán để trong khoảng thời gian hai năm không bị lỗ, sau đó sẽ tìm kiếm lợi nhuận. Thời gian có lợi nhuận có thể đến sớm hơn", anh Tam nói.
Bước tiến mới của Asanzo
Bên cạnh việc thử nghiệm với thị trường smartphone, mới đây, ông chủ thương hiệu tivi “made in Việt Nam” đã bước một chân vào thị trường tivi cao cấp, với việc thâu tóm Kooda. Theo quyết định này, Asanzo sẽ rót 250 tỷ đồng, tương đương 10 triệu USD vào Kooda, đồng thời hỗ trợ về nhà xưởng sản xuất, đồng hành phát triển hệ thống phân phối sản phẩm.
Với thương hiệu Kooda, người tiêu dùng có thể tiếp cận các dòng TV cao cấp như OLED, smart TV, TV 4K với mức giá thấp hơn 15% so với các sản phẩm khác cùng tính năng và kích thước trên thị trường.
Kooda là startup chuyên sản xuất tivi cận cao cấp của ông Liêu Chí Dũng. Ông Dũng từng có 17 năm lăn lộn trong ngành điện tử, sau vì biến động nhân sự và những chiến lược không phù hợp với thị trường Việt Nam của công ty mà tách ra lập startup riêng.
Chỉ sau 2 tháng ra mắt, Kooda đã đạt được thành công bước đầu với 10.000 chiếc tivi bán ra, với sự đón nhận tích cực về phía người tiêu dùng về giá cả và mẫu mã. Hiện Kooda có hệ thống phân phối với 5.000 điểm bán lẻ toàn quốc và 100 đại lý cấp 1.
Nhận định về thị trường điện máy nói chung, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài từng cho biết: Quy mô thị trường điện máy tại Việt Nam khoảng 70.000 tỷ đồng, nhưng hiện 40% thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ hiện khá mỏng và chỉ tập trung tại các tỉnh, thành lớn.
Trong bối cảnh các cửa hàng điện máy, đại lý cấp 1 cạnh tranh với các siêu thị lớn thì Kooda nhắm tới kênh phân phối là các kênh truyền thống.
Hiện Asanzo đã chiếm 70% thị phần tivi ở khu vực nông thôn. Kooda sẽ nhắm tới 30% thị phần trung và cận cao cấp còn lại – vốn là thị trường ngách mà các ông lớn bỏ ngỏ, đồng thời hớt váng của 70% khách hàng phát triển từ nhóm khách hàng hiện tại (bình dân) mà Asanzo đang nhắm tới.
“Tư duy thử và sai là lợi thế của doanh nghiệp trong nước khi quyết định ngay và điều chỉnh trong quá trình triển khai. Đây chính là lợi thế mà các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam có thể cạnh tranh được với các ông lớn nước ngoài”, ông Tam tâm sự.
Theo đánh giá của Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam, chiến lược phát triển tivi cao cấp của dự án Kooda khá tương đồng với mục tiêu của Asanzo. Vì thế, ngoài việc rót vốn đầu tư, ông Tam đã quyết định hỗ trợ nhà xưởng sản xuất, đồng hành cùng Kooda phát triển hệ thống phân phối sản phẩm.
Sau thương vụ này, người đứng đầu Asanzo cho biết đang tiếp tục đầu tư cho các dự án khác nếu thấy phù hợp, với mức thấp nhất từ 5 triệu USD. Các dự án được tập đoàn này ưu tiên rót vốn liên quan đến sản xuất máy móc và lĩnh vực nông nghiệp.

Mới ba năm kể từ khi tung lô hàng đầu tiên ra thị trường vào ngày 7/3/2014, cho đến nay Asanzo đã kịp gây ấn tượng với hàng loạt con số. Cụ thể, riêng trong năm đầu tiên ra mắt, Asanzo tiêu thụ được 122.000 chiếc. Sang 2015, con số này tăng gấp đôi lên 255.000. 2016 tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng ấn tượng khi có tới 500.000 tivi Asanzo được tiêu thụ, trong tổng số 3,5 triệu sản phẩm bán ra trên toàn thị trường. Tổng doanh thu của Asanzo đạt hơn 2.200 tỷ đồng và chiếm thị phần 10% trong năm 2016. Không dừng lại ở đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 4.000 tỷ đồng cho tất cả các dòng sản phẩm trong năm 2017.

Theo Nha Trang/Diễn đàn Doanh nghiệp

>> xem thêm

Bình luận(0)